» Tin tức » Xây dựng cơ chế thu thập thông tin, phân loại rủi ro doanh nghiệp XNK để ngăn chặn buôn lậu

Xây dựng cơ chế thu thập thông tin, phân loại rủi ro doanh nghiệp XNK để ngăn chặn buôn lậu

Ngày đăng: 12-10-2019

TT.CHG -  Bộ Tài chính đã hoàn tất việc lấy ý kiến và chuẩn bị ký ban hành Thông tư Quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan Hải quan thuận lợi trong việc tổ chức thu thập, xác minh thông tin về vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thương mại lớn, có tính chất điển hình, sau khi đã được phát hiện, xử lý, để làm rõ tính chất, mức độ, xu hướng vi phạm và định hướng các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với các nguy cơ vi phạm tương tự có thể xảy ra.

Thu thập thông tin để đánh giá mưc sđộ rủi ro của DN tham gia hoạt động XNK hàng hóa. Ảnh: TH

Theo quy định của Bộ Tài chính thì việc thu thập thông tin quản lý rủi ro phải được thực hiện từ các nguồn thông tin trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Hải quan thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để thống nhất việc xử lý, sử dụng, cung cấp cho đơn vị hải quan các cấp.  

Việc đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro, quyết định kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác phải dựa trên các tiêu chí quy định tại Thông tư này và thông tin quản lý rủi ro có trên hệ thống thông tin hải quan, thông tin dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro được cung cấp tại thời điểm đánh giá, quyết định. Cơ quan hải quan tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát những rủi ro cao, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với các rủi ro trung bình và thấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về hải quan đồng thời tạo thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Thông tin quản lý rủi ro bao gồm: Thông tin về người khai hải quan; Thông tin doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; Thông tin đại lý làm thủ tục hải quan; Thông tin doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế; Thông tin chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền. Thông tin hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;  Thông tin phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Thông tin người và hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Thông tin tổ chức, cá nhân là đối tác kinh doanh nước ngoài; Thông tin doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế; Thông tin doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi; Thông tin doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan; Thông tin doanh nghiệp kinh doanh địa điểm thu gom hàng lẻ…

Cơ quan Hải quan thực hiện thu thập thông tin quản lý rủi ro từ hệ thống thông tin, dữ liệu trong và ngoài ngành hải quan; Từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực hải quan theo quy định của pháp luật; Từ hải quan các nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; Tiếp nhận thông tin của tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cung cấp theo quy định của pháp luật; Mua tin theo chế độ quy định; Thiết lập đường dây nóng qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, điện thoại, thư điện tử (e-mail) để tiếp nhận các thông tin ở trong và ngoài ngành; trong nước và nước ngoài liên quan đến vi phạm pháp luật về hải quan…

Trên cơ sở đó, cơ quan Hải quan xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro kết nối trực tuyến với các hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và các hệ thống thông tin, dữ liệu liên quan để tích hợp, xử lý dữ liệu; theo dõi, giám sát và đưa ra quyết định kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.

 Kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với hệ thống thông tin của tổ chức, cá nhân ngoài ngành hải quan; với Hải quan các nước và tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải tuân thủ các quy định về an ninh hệ thống công nghệ thông tin của Nhà nước và của ngành hải quan.

Dựa trên kết quả quản lý rủi ro, cơ quan Hải quan phân loại mức độ rủi ro đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; đại lý làm thủ tục hải quan; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế; chủ phương tiện, người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền theo một trong những hạng sau:  Hạng 1: Doanh nghiệp ưu tiên; Hạng 2: Người khai hải quan rủi ro rất thấp; Hạng 3: Người khai hải quan rủi ro thấp;  Hạng 4: Người khai hải quan rủi ro trung bình; Hạng 5: Người khai hải quan rủi ro cao; Hạng 6: Người khai hải quan rủi ro rất cao; Hạng 7: Người khai hải quan chưa có hoặc có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa dưới 365 ngày trở về trước tính đến ngày đánh giá; Hạng 8: Hạng dự phòng (áp dụng đối với một số trường hợp đặc thù theo loại hình);  Hạng 9: Hạng dự phòng (áp dụng đối với một số trường hợp đặc thù theo lĩnh vực nghiệp vụ).

Cơ quan hải quan sử dụng các phương pháp, kỹ thuật thiết lập, cập nhật các chỉ số tiêu chí phân loại mức độ rủi ro trong quá trình làm thủ tục hải quan; các thông tin nghiệp vụ tại thời điểm ra quyết định trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, đối chiếu với thông tin tờ khai để quyết định kiểm tra hải quan như sau: Luồng 1 (Xanh): Chấp nhận thông tin tờ khai hải quan đối với rủi ro thấp, theo chỉ số lựa chọn kiểm tra ngẫu nhiên;  Luồng 2 (Vàng): Kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ liên quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với rủi ro trung bình, theo chỉ số lựa chọn kiểm tra ngẫu nhiên;  Luồng 3 (Đỏ): Kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia áp dụng đối với rủi ro cao, theo chỉ số lựa chọn kiểm tra ngẫu nhiên theo các hình thức, mức độ như: Công chức hải quan kiểm tra trực tiếp; Kiểm tra bằng máy soi hoặc các phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác; Kiểm tra bằng nghiệp vụ phân tích, kiểm định, giám định hàng hóa. Quyết định kiểm tra đối với hàng hóa vận chuyển độc lập.

Mai Ka (Theo BCD 389)