Ngày đăng: 30-07-2022
TT.CHG - Ngày 28/7/2022, đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trần Đức Đông làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc và khảo sát tại sân bay quốc tế Cam Ranh và Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (Khánh Hòa).
Đoàn công tác làm việc với các lực lượng chức năng tại Cảng hàng không Sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: LA
Báo cáo với đoàn công tác, đại diện Cảng hàng không Sân bay quốc tế Cam Ranh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, một số chuyến bay quốc tế đã bắt đầu quay trở lại tuy nhiên số lượng chưa nhiều. Từ tháng 6/2022 tần suất các chuyến bay XNC tăng dần, bao gồm các chuyến bay từ Hàn Quốc (chủ yếu), Malaysia, Uzberkistan, Singapore. Đến thời điểm hiện tại, ở sân bay quốc tế Cam Ranh, trung bình một ngày có từ 6 đến 8 chuyến bay XNC đi và đến với khoảng 1.440 lượt khách XNC/ngày. Bắt đầu từ tháng 8/2022, tuyến bay Thailand – Cam Ranh sẽ được nối tuyến trở lại với tần suất 02 chuyến/tuần. Kết quả thực hiện: Tàu bay XNC: 140 lượt, tăng102,9%; người XNC 24.292 lượt, tăng 94,44% so với cùng kỳ năm 2021. Đã làm thủ tục hải quan cho 77 tờ khai XK, tăng 541,67% và 09 tờ khai nhập khẩu giảm 18,18% so cùng kỳ năm 2021. Hàng hóa xuất khẩu: Tôm hùm sống (trị giá: 8.559.080 USD); nhiên liệu động cơ máy bay (trị giá: 1.201.095 USD); hàng hóa khác như suất ăn, trái cây khô... (trị giá: 23.634 USD); kim ngạch XK 9.783.809 USD, tăng 180,71% so cùng kỳ năm 2021. Hàng hóa nhập khẩu: Trứng Artemia; nguyên phụ liệu thức ăn cho tôm; tôm hùm giống (trị giá: 497.212 USD); kim ngạch NK 497.212 USD, giảm 18,39% so cùng kỳ năm 2021.
Đã phát hiện, bắt giữ, xử lý: phát sinh 2 vụ việc vi phạm liên quan đến vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cụ thể Ngày 20/01/2022, sau khi tiếp nhận tin báo từ Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp làm việc với Đội Điều tra chống buôn lậu khu vực miền Trung (Đội 2) - Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành giám sát, kiểm tra chuyến bay mang số hiệu ZF743 từ Nga nhập cảnh về Sân bay quốc tế Cam Ranh và phát hiện, thu giữ 14.650 viên thuốc tân dược (nghi là thuốc điều trị Covid19 và thuốc ngừa Covid19) được mang theo cùng hành lý của 02 hành khách nhập cảnh trên chuyến bay, trị giá tang vật vi phạm của 02 lô hàng trên ước tính: 433, 61 triệu đồng. Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh chuyển hồ sơ thụ lý nguồn tin về tội phạm để xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, đã hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm nhưng chưa có kết quả giám định tư pháp đối với tang vật vi phạm trong vụ việc. Ngày 23/6/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-HQSBCR về việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với 02 vụ việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã nêu ở trên để chờ kết quả giám định theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trong 6 tháng đầu năm 2022 tại sân bay quốc tế Cam Ranh diễn ra bình thường, các cá nhân, tổ chức tham gia XNK, XNC nhìn chung chấp hành tốt các quy định pháp luật. Tuy vậy, không loại trừ khả năng các đối tượng buôn lậu đang dần nhắm đến địa bàn sân bay quốc tế Cam Ranh để thực hiện các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ, hàng cấm trái phép qua biên giới. Hiện nay, tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi và gắn với tệ nạn tham nhũng, làm thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường đầu tư và hội nhập quốc tế... Các đối tượng buôn lậu hàng hóa, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép tiền tệ qua tuyến hàng không sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn như dùng tên giả, chứng minh nhân dân giả, địa chỉ không rõ ràng, không có thật, điện thoại SIM rác, thuê người nhận hộ,... để gửi hàng, nhận hàng tại các kho hàng không kéo dài. Sau đó các đối tượng tiếp tục chuyển hàng về các bưu cục bưu điện nội địa hoặc thuê các công ty dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh hàng hóa qua nhiều công đoạn, nếu bị phát hiện thì dễ dàng xóa dấu vết.
Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng các quy định thông thoáng của pháp luật, phương thức vận chuyển của các hãng giao nhận hàng hóa quốc tế, đại lý thủ tục hải quan, chuyển phát nhanh quốc tế là giao hàng tận nơi để vận chuyển hàng cấm, hàng hóa có điều kiện qua biên giới... Các đối tượng bọc hàng hóa trong các lớp giấy bạc nhằm đối phó với các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng.
Đoàn công tác khảo sát tại Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong. Ảnh: LA
Tại buổi khảo sát tại Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (Khánh Hòa) cho thấy, mặt hàng trọng điểm: xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, đường, hàng cấm, động thực vật và sản phẩm của động thực vật hoang dã, ma túy, thuốc lá, thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, điện lạnh, phế liệu, hàng gia dụng đã qua sử dụng, lốp xe ô tô cũ, ắc quy chì đã qua sử dụng.
Trong phạm vi địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa nói chung và tình hình thực tế tại Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong nói riêng trong thời gian chưa phát sinh các trường hợp, vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập khẩu ổn định; các tổ chức, cá nhân tham gia đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác quản lý, giám sát đối với loại hình tạm nhập tái xuất xăng dầu và thủ tục cung ứng xăng dầu cho tàu biển theo quy định tại Thông tư 69/2016/TT-BTC ngày 6/5/2016 của Bộ Tài chính về quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công, xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất khẩu, nhạp khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí và Quyết định số 3577/QĐ-TCHQ ngày 10/12/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về thủ tục hải quan đối với hoạt động XK, tạm nhập tái xuất, chuyển tải, sang mạn trong khi thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng xăng dầu.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện xuất, nhập cảnh, đặc biệt là các phương tiện như ghe, thuyền, xà lan...có dấu hiệu gia cố bồn, bể, thùng chứa cất giấu xăng dầu; cảnh báo việc lợi dụng hoạt động cung ứng xăng dầu trên biển để buôn lậu. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, nắm vững tình hình địa bàn, phương thức, thủ đoạn để bố trí lực lượng, phương tiện, phương án kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, các hành vi vận chuyển trái phép xăng dầu qua biên giới theo quy định.
Phan Anh (theo BCĐ 389)