» Tin tức » Truy xuất nguồn gốc nông sản: Doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng hưởng lợi

Truy xuất nguồn gốc nông sản: Doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng hưởng lợi

Ngày đăng: 24-11-2020

TT.CHG - Việc thực hiện phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thời gian qua đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn thành phố, đến nay hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho gần 2.750 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản. Đồng thời, đã cấp 7.771 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 543 mã sản phẩm so với cuối năm 2019).

Bên cạnh đó, một số huyện như Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh, Phúc Thọ, Ba Vì… đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn để tích hợp trên hệ thống chung toàn Thành phố.

Việc thực hiện phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thời gian qua đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất truyền thống 10% đến 30%.

Mặt khác, hệ thống điện tử (www.hn.check.vn, check.gov.vn) ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, từng bước nâng cao năng lực cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc của các mặt hàng nên yên tâm về chất lượng.

Ảnh minh họa 

Có thể nói, để người tiêu dùng hiểu được việc dán tem, nhãn, logo trái cây là thương hiệu, yếu tố bảo đảm an toàn, chất lượng cho sản phẩm... là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia, cập nhật thông tin về sản phẩm hàng hóa lên hệ thống, cấp mã truy xuất cho sản phẩm và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái cây và giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trái cây tại các chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại...

Mục tiêu đến hết năm 2020, Hà Nội đạt 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, trong đó có trái cây trên địa bàn thành phố ứng dụng phần mềm sử dụng mã QRcode để truy xuất nguồn gốc; minh bạch thông tin đến người tiêu dùng; tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30% đến 50%...

Để đạt mục tiêu này, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng mã QRcode trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương kiểm tra tại cơ sở về quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Tiếp tục thực hiện hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung - cầu sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành; đẩy mạnh phát triển chợ thương mại điện tử (chonhaminh.gov.vn) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm trái cây, đòi hỏi người dân, doanh nghiệp sản xuất phải có giải pháp đồng bộ từ khâu tích tụ ruộng đất đến quy trình sản xuất, chế biến phải thống nhất; giống, vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác; thu hoạch, bảo quản theo đúng yêu cầu.

Song song với đó, các nhà cung cấp dịch vụ tem điện tử cần nghiên cứu, cải tiến tem nhằm giảm giá thành, phù hợp với từng sản phẩm để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng. Đối với người tiêu dùng, khi mua sản phẩm trái cây trên thị trường, cần lựa chọn mặt hàng có nhãn mác, tem, logo xác nhận của doanh nghiệp và có những thông tin bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Bùi Bá Chính - Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, liên quan đến các hoạt động truy xuất nguồn gốc, hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp các giải pháp truy xuất nguồn gốc thì chưa có hiệu ứng mạnh, chưa trở thành giải pháp để bây giờ giúp người tiêu dùng phân biệt các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch và trước khi quyết định dùng sản phẩm nào dựa trên nguồn gốc mà họ công bố.

Từ nhu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 100/QĐ-TTg được kí vào ngày 19/01/2019. Trong quyết định, Thủ tướng mong muốn triển khai, áp dụng và thống nhất quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn quốc. Thủ tướng giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân trên 63 tỉnh thành thống nhất hệ thống truy xuất nguồn gốc trong các sản phẩm quản lý của bộ mình để kết nối với Cổng thông tin truy xuất quốc gia lưu thông thông tin.

Các bộ ngành có thể tự xây dựng cổng truy xuất nguồn gốc, qua đó cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia có thể mở các cổng để doanh nghiệp sản xuất, vận chuyển, bán lẻ có thể kế nối để truy xuất các thông tin cần thiết phục vụ quá trình sản xuất hàng hóa. Với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc sao cho các sản phẩm có thể truy xuất không giới hạn phục vụ nhu cầu không chỉ của người tiêu dùng mà còn phục vụ nhu cầu của các đơn vị bán lẻ sử dụng làm thương mại điện tử, phục vụ quản lý nhà nước của các đơn vị.

Bảo Lâm (theo VietQ)