» Tin tức » TP. Hồ Chí Minh: Buôn lậu, sản xuất hàng giả tinh vi, phương tiện hiện đại gây khó cho lực lượng chức năng

TP. Hồ Chí Minh: Buôn lậu, sản xuất hàng giả tinh vi, phương tiện hiện đại gây khó cho lực lượng chức năng

Ngày đăng: 11-12-2019

TT.CHG - Đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, với các phương tiện hiện đại gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý trong khi trang thiết bị kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu và năng lực thực tiễn về chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.

Đó là một trong những khó khăn mà BCĐ 389 TP. Hồ Chí Minh đưa ra. Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có quan tâm nhưng chưa được tiến hành thường xuyên và chưa tạo được nhận thức sâu trong người tiêu dùng về phân biệt hàng thật - giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm an toàn và nơi cung cấp thực phẩm an toàn.  Trong quá trình kiểm tra, phát hiện hàng hóa nghi ngờ là hàng giả, các cơ quan thực thi thường gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm chủ sở hữu hoặc đại diện Sở hữu trí tuệ được ủy quyền hợp lệ để liên hệ về việc giám định hàng hóa, làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, công tác nhận định, đánh giá, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường và tham mưu, đề xuất kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng trong từng thời điểm cụ thể còn chưa sâu, bị động, phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên hoặc các thông tin phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng.

BCĐ 389 thành phố cũng chỉ ra hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp rất đơn giản, khi cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm tiến hành xác minh thì trụ sở, địa bàn của doanh nghiệp hoàn toàn không có, người đại diện theo pháp luật là người được các đối tượng thuê, nhiều trường hợp người đại diện còn bị mất hành vi dân sự. Do đó, việc kiểm tra xử lý đối tượng, chủ mưu cầm đầu gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể xử lý hình sự các đối tượng này.

Là thành phố lớn, là đầu mối giao thông trọng yếu, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng, nơi tập trung đông dân cư, là thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc biệt lớn, là nơi có qui mô hoạt động thương mại đứng đầu cả nước kể cả xuất nhập khẩu qua cảng biển, sân bay, chợ đầu mối, nhà máy, khu công nghiệp, là địa bàn trọng yếu trong trung chuyển hàng hóa … đối với tất cả các mặt hàng từ hàng cấm cho tới hàng bách hóa tiêu dùng thiết yếu nên hoạt động buôn lậu, gian laanjt hương mại và hàng giả luôn diễn biến phức tạp.

Tình trạng lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hoá đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức “Chọn luồng” (cùng 1 lô hàng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một Chi cục Hải quan hoặc khác Chi cục Hải quan, nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, chọn luồng vàng, xanh để thông quan hàng hoá); khai báo gian dối về chủng loại, số lượng hàng hóa, khai bóa qua các mặt hàng có thuế thấp, giá thấp hoặc cố tình khai thuế cao để đánh lạc hướng việc tuồn hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng giả vào nội địa; khai báo không đúng số lượng thực tế, khai báo sai xuất xứ để gian lận về giá, tránh né nộp giấy phép xuất hiện ở loại hình phi mậu dịch .

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, qua biên giới diễn ra trên tất cả các tuyến đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, đường hàng không; hoạt động tàng trữ, vận chuyển và buôn bán hàng cấm, hàng ngoại nhập lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra phức tạp, có dấu hiệu gia tăng với thủ đoạn hoạt động tinh vi, tập trung vào các mặt hàng tiêu thụ mạnh trên thị trường như: rượu, bia, quần áo, điện thoại di động, thuốc lá, đường, sữa, hàng bách hóa, kim khí điện máy, vật liệu xây dựng, gỗ, hàng trang trí nội thất…  Nhiều đối tượng buôn lậu  đã thành lập các công ty “ma” để buôn lậu với quy mô lớn; thuê các công ty dịch vụ giao nhận đứng ra làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Khi bị phát hiện thì bỏ trốn, các đối tượng đứng tên giám đốc thuê, đối tượng giao nhận hàng hoàn toàn không biết mặt hoặc có thông tin về đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, trốn thế qui mô lớn (điển hình như vụ Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo), diễn ra khá phức tạp trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào các mặt hàng như đồ điện tử, điện lạnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rượu ngoại và sữa, đặc biệt là nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng...

Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được TP Hồ Chí Minh quan tâm thực hiện và có những chuyển biến rất tích cực. Thành phố đã rất kịp thời quán triệt, triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đến các sở, ngành chức năng và chính quyền các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện đảm bảo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phương án, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường; công tác thông tin tuyên truyền, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa và chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm.

Thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động trong công tác nắm tình hình, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, đánh giá sát diễn biến, xác định được các đường dây ổ nhóm, đối tượng trọng điểm để đấu tranh, triệt xóa. Trong đó, tập trung hoạt động buôn lậu hàng cấm là ma túy, thuốc lá điếu, hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện là hàng cũ đã qua sử dụng qua lợi dụng quá cảnh trung chuyển hàng hóa.

T.LAN (Theo BCĐ 389)