Ngày đăng: 08-01-2025
Hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú.
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có: Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng các ban Đảng, cơ quan Trung ương, Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, Đảng ủy khối cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại điểm cầu Chính phủ còn có các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty, Ngân hàng Nhà nước, một số hiệp hội doanh nghiệp.
Tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND TPHCM, các tỉnh Lai Châu, Bình Dương, Kon Tum, lãnh đạo HĐND, UBND, sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Dự kiến đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận, chỉ rõ những vấn đề hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công phương hướng, nhiệm vụ đã được Trung ương có Kết luận và Quốc hội thông qua Nghị quyết, nhất là kế hoạch KTXH năm 2025, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, đột phá.
Đoàn Chủ tọa có các đồng chí:
-Tổng Bí thư Tô Lâm.
-Chủ tịch nước Lương Cường.
-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
-Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
-Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.
-Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
-Phó Thủ tướng Lê Thành Long.
-Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
-Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2024.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, khoa học, linh hoạt với phương châm "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Nhờ đó, tình hình KTXH nước ta tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023.
Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua chúng ta đã đúc rút được 5 bài học kinh nghiệm quý. Trong đó, quan trọng nhất là bài học phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế và bài học nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Chúng ta phải "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu phát triển KTXH của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2026-2030.
Chủ đề của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá".
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể để hướng đến các mục tiêu, chỉ tiêu.
Cụ thể, mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1% và 71 chỉ tiêu khác.
Ảnh: VGP/Nhật Băc
Các trọng tâm, đột phá của năm 2025
Từ mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nêu lên 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025.
Cụ thể, một là, hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua 38 dự án luật; trong đó sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng như Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và tích cực tham gia hoàn thiện Luật Tổ chức Quốc hội… Xây dựng thể chế, tạo khung khổ pháp lý phát triển nhanh, lành mạnh các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, lao động, bất động sản...). Tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa.
Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" gắn với phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; xóa bỏ cơ chế "xin - cho". Hoàn thành việc sắp xếp bộ máy các cơ quan của Chính phủ trong tháng 2 năm 2025. Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, chế độ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời thực hiện thu hút, trọng dụng nhân tài; xây dựng và bảo vệ đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Ban hành và triển khai hiệu quả Chương trình cắt giảm giấy phép tại các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, công dân; đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên nền tảng số và không phụ thuộc địa giới hành chính.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp của các tổ chức đảng trong Đảng bộ Chính phủ. Tham gia tích cực và sáng tạo trong việc chuẩn bị các văn kiện của Đại hội XIV của Đảng. Chuẩn bị và giới thiệu các nhân sự có chất lượng cho Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp.
Hai là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trog đó, tập trung xây dựng ngay kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả; trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như các thành phố lớn, địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn; triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam. Nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; quản lý chặt chẽ, phấn đấu thu NSNN năm 2025 cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống: Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, bảo đảm không quá 3.000 dự án. Kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai đúng tiến độ, loại bỏ các dự án không cần thiết. Thúc đẩy hợp tác công - tư; xây dựng tiêu chí và cơ chế hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy du lịch quốc tế và quốc nội; phấn đấu năm 2025 thu hút 120-130 triệu lượt khách trong nước và 20 triệu khách quốc tế. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu; tận dụng tối đa 17 FTA đã ký; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Halal, Mỹ La-tinh, Châu Phi.
Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới: Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; xây dựng và vận hành hiệu quả Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; phấn đấu năm 2025, thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về xếp hạng chính phủ điện tử. Có cơ chế đủ mạnh để thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp internet và internet vạn vật, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghệ y sinh học, năng lượng sạch…
Tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững: Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Chuyển dịch toàn diện cơ cấu lao động; phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; hỗ trợ người lao động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Ba là, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DNNN, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Triển khai quyết liệt các giải pháp để huy động nguồn lực từ NSNN, vốn vay trong và ngoài nước, nguồn lực hợp tác công tư và các nguồn hợp pháp khác để đẩy nhanh đầu tư các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa. Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để khơi thông hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động của DNNN một cách toàn diện, bền vững, tương xứng với nguồn lực nắm giữ; tập trung rà soát, sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 theo hướng giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế cơ chế "xin - cho", xử lý triệt để những vướng mắc về đầu tư vốn tại doanh nghiệp. Tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng; phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%; ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt và Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Đầu tư toàn diện hạ tầng số, hạ tầng nghiên cứu phát triển (R&D), nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia, cáp quang biển; đẩy mạnh thương mại hóa 5G, nghiên cứu 6G, ứng dụng các loại dịch vụ vệ tinh... Tập trung nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc theo quy mô quy hoạch; khai thác dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026-2030. Chú trọng phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, Khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển điện lực, năng lượng tái tạo, hydrogen; khởi động các dự án điện năng lượng hạt nhân. Nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ.
Năm là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, kỷ nguyên mới.
Tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư, các dự án BOT, bất động sản... tồn đọng, kéo dài. Giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các dự án để không xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Tăng cường quản lý thu, chi NSNN hiệu quả hơn, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm NSNN, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng chi cho phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo về phòng, chống lãng phí do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm gây lãng phí lớn để làm gương. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra; giải quyết kịp thời tố cáo, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Sáu là, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư, phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xã hội. Xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025.
Tổng kết giai đoạn 1 của 2 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và giảm nghèo bền vững để đề xuất thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Tiếp tục nâng cao năng lực khám, chữa bệnh; kiểm soát tốt các dịch bệnh; mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa, bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế.
Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dân số, công tác người cao tuổi, thanh niên, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em. Phấn đấu năm 2025 hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội; tập trung mọi nguồn lực để đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh. Xây dựng, triển khai hiệu quả 3 đề án: (1) Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; (2) Đề án Phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét miền Trung và miền núi phía Bắc; (3) Đề án Khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị.
Bảy là, bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng "thế trận lòng dân", bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng; năm 2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng Quân đội "tinh, gọn, mạnh". Đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững an ninh quốc gia; xử lý hiệu quả các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng, tội phạm công nghệ cao; tập trung phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam. Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, trọng tâm là ngoại giao khoa học công nghệ. Tổ chức thành công các sự kiện quốc tế đa phương, song phương.
Cuối cùng, tám là chủ động thông tin tuyên truyền, tạo động lực và đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, phản ánh đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền sinh động, hấp dẫn, đa nền tảng về các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước năm 2025; lan tỏa các mô hình, điển hình "người tốt, việc tốt", tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên và khích lệ cộng đồng, người dân và doanh nghiệp vươn lên, cống hiến cho đất nước. Quản lý hiệu quả mạng xã hội; cung cấp thông tin kịp thời, chính thức về những vấn đề dư luận quan tâm. Kiên quyết đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
"Chúng ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trên nền tảng thành tựu sau 40 năm đổi mới, với bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm và hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, văn minh, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu./.
Tiếp tục cập nhật…