» Tin tức » Tổng tấn công hàng giả ở các thành phố lớn

Tổng tấn công hàng giả ở các thành phố lớn

Ngày đăng: 17-08-2018

Lực lượng QLTT truy quét xong hàng giả, cơ quan chức năng địa phương phải có trách nhiệm xử lý

Thực hiện Quyết định 334/QĐ của Bộ Công Thương về đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020, sáng 10-5, 5 đội QLTT của Chi cục QLTT TP HCM đồng loạt ra quân tiến hành kiểm tra 20 sạp kinh doanh mắt kính, đồng hồ, kính lúp, dây nịt, túi xách, ví, bút máy… tại chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM).

Ban quản lý chợ ở đâu (!?)

Tại đây, lực lượng chức năng xác định hàng ngàn sản phẩm hàng hóa bày bán tại 20 sạp đều không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Rolex, Patek Philippe, Piaget, Montblanc, Chanel, Nike, Longines, Versace, Hermes, Valentino, Adidas, Dior, Omega, Rado, Tissot, Burberry... Do số hàng hóa quá lớn, Chi cục QLTT TP đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng vi phạm để tiến hành phân loại, kiểm đếm, giám định sau đó mới có biện pháp xử lý.

QLTT TP HCM kiểm tra một quầy bán mắt kính ở chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) ngày 10-5

Các tiểu thương thừa nhận hầu hết sản phẩm bị tạm giữ đều có xuất xứ Trung Quốc, được mua từ các đầu mối tại TP HCM với giá rất rẻ. Họ nói dù biết kinh doanh hàng nhái, giả là vi phạm nhưng không thể buôn bán mặt hàng nào khác vì hàng thật giá quá cao, gấp vài chục cho đến cả trăm lần so với hàng giả, khách không thể mua được. Theo những người bán, số hàng hóa bị tạm giữ của mỗi sạp lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nếu được tiếp tục kinh doanh thì "vài ba tháng là "gỡ" được vốn.

Có mặt trong đoàn kiểm tra, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công Thương, cho rằng chợ Bến Thành có quy mô lớn, lâu đời, thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến đây tham quan, mua sắm nhưng lại bày bán quá nhiều hàng giả. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Ông cho rằng: "Hàng giả bày bán ở chợ trong nhiều năm qua là không thể chấp nhận được. Cần phải kiểm tra, kiểm soát triệt để cũng như quy trách nhiệm rõ ràng. Không thể để tình trạng cơ quan chức năng kiểm tra xong đâu lại vào đấy, hàng giả vẫn tiếp tục bày bán. Vai trò, trách nhiệm của ban quản lý chợ ở đâu, cần phải làm rõ".

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, cho biết hàng gian, hàng giả không chỉ bày bán nhiều ở chợ Bến Thành mà còn bán ở nhiều chợ và trung tâm thương mại khác trên địa bàn. Chi cục thường xuyên kiểm tra và hầu như tuần nào cũng phát hiện vài ba vụ kinh doanh, chứa trữ hàng giả. Tuy nhiên, mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh, chứa trữ hàng giả hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên các cửa hàng vẫn tái phạm.

Dù bị lực lượng QLTT và các cơ quan truyền thông chất vấn nhưng ông Lê Minh Hiệp, Phó Ban Quản lý chợ Bến Thành, cho biết mình không thể trả lời được vì chợ có quy định về quy chế phát ngôn nên cần xin ý kiến cấp trên hoặc UBND quận 1 phân công ai được phép trả lời.

Sẽ kiểm tra thường xuyên

Nói về kế hoạch sắp tới, ông Trần Hùng cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác 334 đấu tranh chống hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ. Trước mắt, công tác chống hàng giả sẽ tập trung các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, sau đó triển khai đến các địa phương khác. "Hàng giả, hàng kém chất lượng lâu nay đã hoành hành gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội nên cần phải tập trung xử lý triệt để. Lực lượng QLTT truy quét xong hàng giả, cơ quan chức năng ở địa phương phải chịu trách nhiệm xử lý. Không thể để tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", kiểm tra xong rồi đâu lại vào đó. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cần phân công trách nhiệm rõ ràng của từng đơn vị. Ban quản lý chợ cần phối hợp đồng bộ với QLTT thì công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả mới hiệu quả" - ông Hùng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bách cho biết chi cục đã có kế hoạch chống hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn từ nay cho đến năm 2020. Trong đó có cả chuyên đề riêng cho công tác chống hàng giả tại TP HCM. Kế hoạch dài hạn này được xem là tổng kiểm tra trên diện rộng, huy động toàn lực lượng vào cuộc với quyết tâm làm triệt để. Kế hoạch kiểm tra sẽ được triển khai kiểm tra thường xuyên và đồng loạt tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, ông Bách đề nghị người dân phải nói không với hàng giả, vì còn người mua sẽ còn người bán. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban quản lý chợ, các cơ quan chức năng địa phương; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định của pháp luật. "Hợp đồng kinh doanh giữa ban quản lý chợ và hộ kinh doanh đã có các quy định rất rõ. Hàng bán phải có hóa đơn chứng từ, chính hãng, chất lượng; không được kinh doanh hàng nhái, giả. Nếu nhắc nhở nhiều lần mà các hộ vẫn tái phạm, ban quản lý có quyền hủy hợp đồng, không cho tiếp tục buôn bán tại chợ" - ông Bách khẳng định. 

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI ( Theo Người lao động)