» Tin tức » Tổ chức đại hội đảng cấp xã, cấp tỉnh thế nào sau sáp nhập?

Tổ chức đại hội đảng cấp xã, cấp tỉnh thế nào sau sáp nhập?

Ngày đăng: 14-04-2025

TT.CHG - Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo về tổ chức đại hội các cấp tại địa phương sáp nhập, hợp nhất.

Sau 3 ngày (10 - 12/4) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc chiều 12/4.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết: Các đồng chí Trung ương đã thảo luận dân chủ, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao những nội dung quan trọng, cốt lõi. Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị với tỷ lệ tuyệt đối.

Một trong những vấn đề trọng tâm, Ban chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương: về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các Tờ trình và Đề án; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện; việc lập tổ chức đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.

Hội nghị Trung ương 11 đã có những chỉ đạo về công tác tổ chức đại hội các cấp tại địa phương sáp nhập, hợp nhất

Chủ động, nghiêm túc chuẩn bị Đại hội các cấp sau sắp xếp đơn vị hành chính

Ngay sau Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu khẩn trương triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý là việc tổ chức đại hội các cấp tại các địa phương thực hiện sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc tổ chức đại hội, đặc biệt ở cấp xã và cấp tỉnh, phải được tiến hành ngay sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính. Quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định, đúng tinh thần đổi mới, tránh hình thức, phô trương.

Để tạo hành lang pháp lý và định hướng thống nhất, Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 35 trước đây, với hướng dẫn cụ thể về tổ chức Đại hội Đảng các cấp trong bối cảnh mới.

Không cộng gộp cơ học – Văn kiện phải phản ánh không gian phát triển mới

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý hai nội dung trọng yếu. Thứ nhất, về công tác chuẩn bị văn kiện: Các địa phương cấp tỉnh cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội cấp mình, căn cứ trên dự thảo văn kiện Đại hội Trung ương mới.

Đối với các tỉnh có sáp nhập, hợp nhất, việc xây dựng văn kiện Đại hội của tỉnh mới không được phép thực hiện theo kiểu cộng gộp cơ học các văn kiện cũ. Các Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan phải phối hợp chặt chẽ, cùng bàn bạc để xây dựng văn kiện mang tầm nhìn chung, phản ánh đúng "không gian phát triển mở rộng" và định hướng tương lai của tỉnh mới sau sáp nhập.

Yêu cầu này cũng được áp dụng với các xã sau sáp nhập. Việc xây dựng văn kiện tại cấp xã phải đảm bảo tư duy thống nhất, tầm nhìn bao quát và tinh thần đổi mới, thay vì chỉ đơn thuần là tổng hợp hành chính.

Thứ hai, về nhân sự: Nhiều đồng chí băn khoăn vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và sắp xếp nhân sự Đại hội. Các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn. Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập, hợp nhất) phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập.

Tăng cường chỉ đạo, thống nhất cao trong tổ chức Đại hội sau sáp nhập

Trước những vấn đề còn chưa thống nhất trong quá trình tổ chức Đại hội các cấp tại các địa phương sáp nhập, Trung ương nhấn mạnh vai trò định hướng, hướng dẫn cụ thể của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công phụ trách địa bàn. Những người đứng đầu này có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ và chất lượng Đại hội.

Cùng với đó, các tỉnh cũng được yêu cầu phân công các đồng chí trong cấp ủy tỉnh trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội cấp xã, đặc biệt là ở các xã mới sáp nhập. Việc này nhằm đảm bảo tính thống nhất từ trên xuống, tránh lúng túng, chồng chéo trong quá trình triển khai.

Hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV – Đặt nền móng phát triển cho giai đoạn mới

Trung ương chỉ đạo các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các dự thảo văn kiện trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt lưu ý là phần định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng, địa phương sau sáp nhập cần được điều chỉnh, bổ sung sát với tình hình thực tiễn.

Các văn kiện hoàn chỉnh sẽ được gửi về đại hội đảng bộ các cấp để tiếp tục thảo luận, góp ý sâu sắc, trước khi trình lên Hội nghị Trung ương 12. Việc này không chỉ đảm bảo tính khoa học, dân chủ, mà còn thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc lắng nghe ý kiến nhân dân, nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn mới.

Thanh Bình

Theo Congthuong.vn