» Tin tức » Tập trung giải quyết dứt điểm 1533 dự án tồn đọng; trách nhiệm tới đâu, xử lý tới đó, không để sai chồng sai

Tập trung giải quyết dứt điểm 1533 dự án tồn đọng; trách nhiệm tới đâu, xử lý tới đó, không để sai chồng sai

Ngày đăng: 31-03-2025

TT.CHG - Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm với 1533 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình giải quyết, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể được làm rõ tới đâu thì xử lý tới đó; "đánh chuột nhưng không vỡ bình", không để sai chồng sai, không tạo tiền lệ cho các sai phạm tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

1.533 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc

Ngày 30/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án để nghe báo cáo về tình hình rà soát, đánh giá, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng.   

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, đến ngày 25/3, tổng số có 1.533 dự án được các cơ quan, địa phương báo cáo đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

Bộ Tài chính đã sơ bộ phân loại các khó khăn, vướng mắc thành 17 nhóm vấn đề liên quan như: Xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án… Đồng thời, phân loại các dự án theo thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc của: Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành, địa phương.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 170/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án và vấn đề đất đai nêu trong kết luận thanh tra, kiểm tra và bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Cùng với đó, Nghị quyết số 171/2024/QH15 được ban hành nhằm thí điểm thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua cơ chế thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đô thị.

Về lĩnh vực năng lượng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 233/NQ-CP, đưa ra chủ trương và định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Dự kiến, trong đầu tháng 4 tới, các cơ quan chức năng sẽ trình Chính phủ nghị quyết liên quan đến việc tháo gỡ cho 5 dự án tại TP.HCM.

Đối với hai dự án trọng điểm là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (cơ sở 2), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đã thống nhất chủ trương bố trí thêm ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024 để hoàn thành hai dự án trong năm 2025, sớm đưa vào hoạt động, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó tháo gỡ, thẩm quyền của ai thì người đó giải quyết, không đùn đẩy, né tránh

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, chủ động của Trưởng ban, các thành viên và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Thủ tướng nhấn mạnh, tập thể đã làm việc khẩn trương, bám sát thực tiễn, đạt nhiều kết quả tích cực, các công việc đều có đầu ra, có hướng xử lý rõ ràng với tinh thần xây dựng, tính khả thi cao.

Thủ tướng khẳng định, nhiệm vụ hiện nay hướng đến nhiều mục tiêu, mang ý nghĩa lớn trên nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các dự án tồn đọng, kéo dài, không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư – như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh.

Việc khơi thông các dự án không chỉ giúp huy động và khai thác hiệu quả nguồn lực lớn trong xã hội mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP lên mức 8% vào năm 2025 và hướng tới hai con số trong những năm tiếp theo. Đồng thời, việc này còn tạo thêm việc làm, sinh kế cho người dân; cải thiện cảnh quan và môi trường đô thị; khuyến khích đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý phù hợp, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; và quan trọng là giải tỏa những bức xúc của người dân, cán bộ.

Về phương châm chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ: thời gian ngắn, khối lượng công việc lớn, tính chất phức tạp, nên đòi hỏi phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Phải phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm và rõ thẩm quyền. Những vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm tháo gỡ; thẩm quyền thuộc về ai thì người đó phải giải quyết, tuyệt đối không đùn đẩy, né tránh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tập trung giải quyết dứt điểm 1533 dự án khó khăn, vướng mắc; trách nhiệm tới đâu xử lý tới đó

Tinh thần là tập trung tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, khắc phục được hậu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, trong sáng, vì nhiệm vụ chung. Thủ tướng lưu ý, trong quá trình giải quyết, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể được làm rõ tới đâu thì xử lý tới đó; "đánh chuột nhưng không vỡ bình", không để sai chồng sai, không tạo tiền lệ cho các sai phạm tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm với 1.533 dự án đã có báo cáo, nếu có các dự án phát sinh thì tiếp tục giải quyết, tinh thần là rõ tới đâu làm tới đó, làm tới đâu chắc tới đó, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; với những vấn đề có tính cá biệt thì phải đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý. 

Về thời hạn, Thủ tướng chỉ đạo, các thủ tục để xử lý cho các dự án phải cố gắng hoàn thành trước 30/5.

Đối với các dự án gặp vướng mắc về mặt bằng, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở, phải tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Việc hỗ trợ người dân cần căn cứ trên quy định pháp luật, điều kiện thực tế và khả năng ngân sách của địa phương, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Thủ tướng cũng lưu ý việc xem xét, áp dụng chính sách linh hoạt, thấu tình đạt lý đối với các nhóm đối tượng đặc biệt như người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đối tượng yếu thế. Cùng với đó, cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ, chống đối, gây cản trở tiến độ triển khai dự án.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với nhóm các dự án có vướng mắc về quy hoạch thì rà soát các quy hoạch, nhất là quy hoạch chuyên ngành làm căn cứ triển khai các dự án bảo đảm phù hợp, đồng bộ hệ thống quy hoạch chung.

Với các vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, thì đề xuất Quốc hội cho phép địa phương, bộ, ngành, cơ quan vận dụng chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết 170, 171, áp dụng với các dự án có tính chất tương tự.

Với các dự án có sai phạm trong quá trình thực hiện nhưng đã được triển khai thực hiện cơ bản, khó thu hồi dự án thì đề xuất giải pháp tháo gỡ, cho thời hạn khắc phục khó khăn, vướng mắc và hậu quả (nếu có); tinh thần là hiệu quả, nhân văn, phù hợp, ưu tiên áp dụng các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trước, sau đó mới áp dụng các biện pháp khác; không che giấu, không bỏ sót, không để lọt sai phạm, không để thất thoát tài sản nhà nước nhưng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Với các dự án khó khăn, vướng mắc nhưng chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh và cũng không áp dụng được cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành thì phải nghiên cứu, đề xuất Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Không báo cáo đúng hạn, phải chịu trách nhiệm khi cơ quan chức năng vào cuộc

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị quyết nhằm xử lý các nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền. Đồng thời, Bộ cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp về các dự án gặp khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, kéo dài. Trên cơ sở dữ liệu này, tiến hành phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả. Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ ban hành hướng dẫn chung, kèm theo biểu mẫu, đề cương để các bộ, ngành, địa phương triển khai báo cáo thống nhất.

Cùng với đó, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm trình Thủ tướng ban hành Công điện thứ 3, nhằm chỉ đạo, định hướng và đôn đốc các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá và phân loại các dự án tồn đọng. Trên cơ sở đó, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, phương án, cơ chế và chính sách phù hợp để xử lý. Thủ tướng lưu ý rõ: nếu không báo cáo đúng thời hạn, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và địa phương phải chủ động, tích cực tháo gỡ các khó khăn cho dự án theo đúng thẩm quyền, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Trường hợp vượt thẩm quyền, cần kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn