» Tin tức » Tăng cường phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính

Tăng cường phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính

Ngày đăng: 20-01-2021

TT.CHG - Trước thực trạng đối tượng buôn lậu lợi dụng đường bưu chính, chuyển phát nhanh  để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… vừa qua, Ban chỉ đạo 389 Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tăng cường phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính với thành phần là đại diện các bộ, ngành có liên quan, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc và hơn 50 DN kinh doanh bưu chính (DNBC).

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: T.Trang.

Vướng quy định pháp lý

Điểm lại một số vụ việc mà các lực lượng chức năng phát hiện trong thời quan qua, trong phạm vi cả nước đã xảy ra một số vụ việc, cụ thể như sau: Vụ kho hàng tại Lào Cai do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an kiểm tra một kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai vào ngày 07/7/2020, trong đó, có một số doanh nghiệp bưu chính tham gia công đoạn vận chuyển.

Tiếp đến, vụ kho hàng của Chi nhánh Hà Nội thuộc Công ty TNHH Một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong, có địa chỉ trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội do Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra vào ngày 16/7/2020.

Và vụ xe hàng của Viettel Post ở Lạng Sơn do đội QLTT số 2, Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp với đội Kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (đội 389) tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra ngày 17/9/2020…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm hiện nay, thị trường bưu chính Việt Nam có khoảng 550 DNBC đang hoạt động hợp pháp. Tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh tiếp tục diễn biến phức tạp; trong khi đó, để kiểm tra, đánh giá và xủa lý các vị việc vi phạm hiện nay còn vướng không ít những khó khăn do bất cập của quy định hiện hành.

Phân tích quy định của pháp luật, Ban chỉ đạo 389 Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện các quy định pháp luật liên quan đến quyền/trách nhiệm/nghĩa vụ của doanh nghiệp bưu chính trong việc kiểm soát nội dung gói, kiện hàng hóa khi chấp nhận, vận chuyển: Luật Bưu chính đã quy định về điều kiện chấp nhận và phát bưu gửi (Điểm a khoản 1 Điều 11), về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính (Điều 12), về bảo đảm an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính (khoản 1 Điều 14), về quyền của doanh nghiệp trong việc kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hoá trước khi chấp nhận (khoản 3 Điều 29) hoặc quyền từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính nếu phát hiện bưu gửi vi phạm pháp luật (khoản 4 Điều 29), về trách nhiệm trước pháp luật khi cố ý chấp nhận bưu gửi vi phạm quy định (khoản 9 Điều 29)… Như vậy, liên quan đến việc chấp nhận bưu gửi theo quy định của pháp luật bưu chính không bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định XPVPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm hóa đơn mua bán…

Tại điểm a Điều 11 và Điều 12 Luật bưu chính không bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ, tuy nhiên khi cung ứng dịch vụ bưu chính, DNBC phải tuân thủ quy định của pháp luật bưu chính và pháp luật có liên quan khác. Liên quan đến nội dung này, tại Thông tư 39/2014/TT-BTC có hướng dẫn về việc tạo, lập hóa đơn của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán hàng hóa, dịch vụ, theo đó, khi bán hàng hóa, bên bán phải lập và giao hóa đơn cho bên mua đối với hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên và hàng hóa có giá trị dưới 200.000 đồng khi bên mua có yêu cầu lập và giao hóa đơn. Như vậy, khi vận chuyển hàng hóa trên đường đối với những trường hợp trên thì phải có hóa đơn. Nếu hàng hóa vận chuyển trên đường mà không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật bưu chính, doanh nghiệp có quyền từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của DN (DNBC được quyền tự quy định các điều kiện phù hợp với năng lực và pháp luật liên quan để bảo vệ cho chính DNBC, trong đó có nội dung từ chối chấp nhận bưu gửi nếu không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hàng gửi). Trong thực tế một số DNBC chưa thực hiện đúng theo quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quy định tại khoản 3, Điều 29 Luật bưu chính là kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận.

Khoản 2 Điều 14 Luật bưu chính quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi; kiểm tra, xử lý bưu gửi hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính trong trường hợp có căn cứ xác định bưu gửi có liên quan đến vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia hoặc hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác, tuy nhiên hiện không rõ vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác cụ thể là vi phạm gì.

Tại Điều 12 Luật bưu chính quy định vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính là hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông, tuy nhiên khoản 1 Điều 26 Văn bản hợp nhất Luật thương mại số 03/VBHN-VPQH ngày 28/7/2018 quy định hàng hóa đang được lưu thông hợp pháp bị áp dụng biện pháp lưu thông trong trường hợp hàng hóa đó là nguồn gốc hoặc phương tiện lây truyền các loại dịch bệnh hoặc khi xảy ra tình trạng khẩn cấp.

Đối với Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BQP-BCA và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (đã thay thế bằng Nghị định số 98/2020/NĐ-CP) và hàng hóa thương mại điện tử: Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn về phòng, chống, xử lý các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại.

Cũng tại hội nghị, ý kiến các DNBC đều cho rằng, khả năng phát hiện bưu gửi vi phạm hàng cấm gửi của nhân viên bưu chính (nhất là người lao động trực tiếp làm việc tại các khâu chấp nhận, khai thác) rất khó khăn do các đối tượng buôn lậu thường sử dụng phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội, trong khi nhân viên bưu chính ko có công cụ/trang thiết bị và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu về phát hiện hàng lậu, hàng giả, hàng cấm.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thu giữ, xác định, giám định tình trạng pháp lý hàng gửi (nhất là bưu gửi có chứa vật nghi là ma túy) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hải quan, công an…) thường mất nhiều thời gian; ảnh hưởng đến chất lượng toàn trình bưu gửi, dẫn đến việc doanh nghiệp bưu chính ít nhiều có tâm lý e ngại trong chủ động phối hợp, thông báo với cơ quan chức năng khi có nghi ngờ bưu gửi chứa hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.

Tăng cường công tác phối hợp

Phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương, lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường và Công an để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực bưu chính… là ý kiến được các đại biển đưa ra tại hội nghị để tăng cường phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính.

Theo Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia- Vũ Hùng Sơn, việc sửa các quy định của pháp luật liên quan đến công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính là cần thiết, tuy nhiên trong lúc chờ sửa các quy định thì việc tăng cường kiểm soát là quan trọng. Cùng với sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn lợi dụng mạng lưới bưu chính để gửi hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Để phòng ngừa các hành vi vi phạm liên quan đến việc chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi là hàng lậu, hàng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, các doanh nghiệp bưu chính cần đề nghị người gửi mang hàng hóa đến đóng gói bằng các hộp chuyên dụng của đơn vị, để kết hợp kiểm tra, phát hiện, ngăn chặp kịp thời các loại hàng hóa cấm gửi. Bên cạnh đó, trong trường hợp DN phát hiện có thể thông tin đến ngay đường dây nóng của Ban chỉ đạo 389 quốc gia để hướng dẫn, phối hợp xử lý.

Ông Vũ Hùng Sơn khẳng định, Kế hoạch 399/KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã và đang tập trung vào nội dung này, cùng với các công cụ đấu tranh, xử lý và lực lượng đông đủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia có thể xử lý ngay những vụ việc DNBC phản ánh.

Cùng với đó, ý kiến các đại biểu tại hội nghị cũng cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu DNBC cần phải đào tạo, hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân viên chấp hành nghiêm các quy định trong quá trình chấp nhận bưu gửi; thận trọng kiểm tra, giám sát các loại bưu gửi. Khi nhận gửi phải đối chiếu với giấy tờ tùy thân, ghi rõ cụ thể và chính xác tên, tuổi và địa chỉ người gửi cũng như người nhận. Trong trường hợp phát hiện nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó,các ý kiến cũng cho rằng DNBC cần có quy trình nghiệp vụ và quy chế tự kiểm tra để nâng cao cảnh giác khi liên kết, hợp tác kinh doanh với các đối tác trong việc cung ứng dịch vụ bưu chính, thuê xe vận chuyển, thuê kho bãi, thuê nhân viên phát, cũng như các chương trình quản lý nghiệp vụ khác để phòng ngừa việc lợi dụng mạng lưới của bưu chính để vận chuyển và bán hàng lậu. 

Thu Trang (theo BCĐ 389)