» Tin tức » Sắp có chế tài mạnh xử lý buôn lậu và gian lận thương mại xăng dầu, khí dấu mỏ hóa lỏng

Sắp có chế tài mạnh xử lý buôn lậu và gian lận thương mại xăng dầu, khí dấu mỏ hóa lỏng

Ngày đăng: 07-12-2019

TT.CHG - Dự kiến trong tháng 12, sẽ có một Nghị định mới với các chế tài nghiêm khắc và mạnh tay hơn sẽ có hiệu lực và thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Trước tình hình gian lận thương mại xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan soạn thảo Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.  

Theo dự thảo của Nghị định, để thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (sau đây gọi tắt là Nghị định số 67/2017/NĐ-CP), có hiệu lực từ ngày 10 tháng 7 năm 2017, tuy nhiên, trong thời gian qua, với quan điểm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển, điều kiện đầu tư kinh doanh của nhiều ngành, nghề kinh doanh đã được dỡ bỏ hoặc đơn giản hóa.

Ngày 15 tháng 01 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong đó có Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Trong hoạt động dầu khí, ngày 07 tháng 3 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền. Đối với lĩnh vực kinh doanh khí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Các loại hình thương nhân tham gia kinh doanh, điều kiện đầu tư kinh doanh, mô hình tổ chức hệ thống phân phối, cách thức hoạt động v.v.. có những thay đổi cơ bản so với trước đây. Những thay đổi của quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí đã dẫn đến hệ quả nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định số 67/2017/NĐ-CP không còn phù hợp và đòi hỏi phải được nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm bảo đảm và bảo vệ một cách có hiệu quả trật tự quản lý nhà nước cũng như sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Mặc dù mới được triển khai thực hiện gần 02 năm nhưng nhu cầu từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và khí cũng đòi hỏi nhiều quy định tại Nghị định số 67/2017/NĐ-CP phải được rà soát, sửa đổi hoặc thay thế nhằm bảo đảm tính khả thi và nâng cao hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính, góp phần bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Thực tiễn quá trình rà soát, nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2017/NĐ-CP được Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành năm 2018, đã xác định có tới 55/83 điều (chiếm 66,3%) của Nghị định này cần được sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội mới của đất nước.

Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của một số lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như Công an, Quản lý thị trường v.v.. đã có những thay đổi cơ bản, vì vậy, các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều chức danh cần phải được rà soát, sửa đổi để bảo đảm tính hợp pháp trong thực thi nhiệm vụ của các lực lượng này. 

Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, tình hình buôn lậu gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng QLTT đã phối hợp với một số cơ quan chức năng đi kiểm tra một số tỉnh, thành phố trong cả nước để đánh giá chất lượng xăng dầu trên thị trường. Kết quả cho thấy, có tới 50% số mẫu xăng RON 95 ở một vài cửa hàng được kiểm tra không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật được phép lưu thông trên thị trường.  

Với những lý do nêu trên, việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí mới thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP là cần thiết. 

Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. 

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất các mức xử phạt vi phạm mạnh tay hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, qua đó góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực này.

PHẠM BÌNH (Theo BCĐ 389)