» Tin tức » Sàn thương mại điện tử gặp khó khăn trong ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Sàn thương mại điện tử gặp khó khăn trong ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 17-11-2023

TT.CHG - Tại Hội thảo nâng cao năng lực phòng chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam do Tổng cục Quản lý tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/11/2023, ông Phan Mạnh Hà đến từ sàn thương mại điện tử Shopee cho biết, hiện nhiều sàn thương mại điện tử đang gặp khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các nhà bán hàng trên sàn.

Đại diện sàn Shopee dẫn chứng như: Tình trạng nhà bán hàng tìm cách qua mặt hệ thống kiểm duyệt của sàn điện tử: Do hệ thống của Shopee thực hiện việc kiểm duyệt dựa theo từ khóa, quét hình ảnh nên nhà bán hàng cố tình sử dụng chiêu trò để qua mặt hệ thống kiểm duyệt bằng cách đăng sản phẩm vi phạm bằng hình ảnh, làm mờ nhãn hiệu, chèn ký tự vào phần hình ảnh để che giấu yếu tố nhãn hiệu hoặc sử dụng các từ khóa biến thể để hệ thống hay nhân viên kiểm duyệt của các sàn khó khăn trong việc nhận diện và phát hiện vi phạm.

Nhà bán hàng giao sản phẩm khác với nội dung đăng bán: Theo quy định việc đăng bán của nhà bán hàng hoàn toàn tuân thủ các chính sách của sàn Shopee, nhưng khi giao hàng thực tế sản phẩm nhiều nhà bán hàng lại giao sản phẩm khác, kém chất lượng so với nội dung đăng bán. Do đó, để ngăm chặn vi phạm này, Shopee đưa ra nhiều chính sách như khiếu nại trả hàng hoàn tiền, chính sách Shopee đảm bảo nhằm cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu tố cáo về hàng giả của người tiêu dùng có cơ sở hợp lý và chính đáng. Bên cạnh đó, Shopee cũng có những quy định chế tài đối với các nhà bán hàng cố tình vi phạm như gỡ bỏ các nội dung và sản phẩm vi phạm hoặc khóa tài khoản tạm thời đến vĩnh viễn tùy theo mức độ.

Hiện chưa có kênh tham khảo ý kiến chuyên môn từ cơ quan thực thi SHTT như: Tổng cục Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục SHTT trong quá trình phối hợp với chủ thể quyền vì có rất nhiều trường hợp khá tranh cãi và chủ thể quyền không đồng ý với quyết định của Shopee. Đơn cử như: Nhãn hiệu “Grow” của Abbott được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng với yếu tố “Grow”. Khi khiếu nại đến Shopee, chủ thể quyền yêu cầu gỡ bỏ tất cả các sản phẩm sữa có chữ “Grow và con hươu” với lý do tổ hợp chữ “Grow và con hươu” được đăng ký và sử dụng độc quyền của Abbott, không bên nào được phép sử dụng. Trong danh sách sản phẩm bị tố cáo, Shopee thấy có cả những nhãn hiệu có chứa yếu tố “Grow và con hươu” (được trình bày khác đi và kết hợp với các yếu tố khác) đã được Cục SHTT bảo hộ. Với những trường hợp này, Shopee rất cần có kênh tham khảo ý kiến chuyên môn từ cơ quan quản lý nhà nước để có những quyết định phù hợp, đúng quy định và bảo đảm quyền và lợi ích của những bên liên quan.

Bên cạnh đó, tình trạng làm giả tài liệu bởi các bên (nhà bán hàng hay người tiêu dùng khiếu nại) có dấu hiệu gia tăng, điển hình như giả Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Hệ thống tra cứu nhãn hiệu của Cục SHTT thường gặp lỗi khi truy cập nên ảnh hưởng đến việc kiểm tra đối chiếu thông tin do bên khiếu nại cung cấp. Tình trạng làm giả chứng từ (Hợp đồng phân phối hay hóa đơn GTGT) cũng khá phổ biến khiến cho sàn Shopee gặp khó khăn trong việc thẩm định tính trung thực của tài liệu. 

Về phía sàn Shopee khuyến cáo khách hàng có thể sử dụng tính năng tố cáo trên ứng dụng di động Shopee để gửi báo cáo về sản phẩm hoặc hành vi vi phạm hàng giả/nhái bất cứ lúc nào. Bộ phận kiểm duyệt sẽ tiếp nhận thông tin và có cơ chế xử lý nếu nội dung và bằng chứng tố cáo chính đáng. Sàn Shopee tiếp tục ứng dụng công nghệ thông minh để phát hiện vi phạm, chủ động rà soát sản phẩm đăng bán trên sàn.

T.Hằng (theo BCĐ 389)