» Tin tức » Nóng tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm

Nóng tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm

Ngày đăng: 21-01-2021

TT.CHG - Dịp cuối năm, các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái qua môi trường mạng diễn ra ngày càng nhiều với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Theo Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), thời gian qua, đơn vị đã phối hợp bắt nhiều vụ buôn lậu với các đối tượng kinh doanh hàng nhái kinh doanh qua mạng.

Cụ thể, triển khai Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, từ ngày 1/11/2020 Ban chỉ đạo 389 các bộ ngành và các địa phương đã đồng loạt ban hành kế hoạch hành động và triển khai kế hoạch này.

Liên tiếp trong những ngày qua, Tổ công tác triển khai Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Tổ công tác 399) phối hợp với Cục An Ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) tiến hành rà soát việc chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử.

Qua rà soát, Tổ công tác 399 phát hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Hà Nội có một nhóm đối tượng lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…) để quảng bá hoạt động buôn bán các loại quần áo, giày dép, túi xách… có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Luis Vuitton, Adidas, Gucci… với số lượng lớn tại chuỗi cửa hàng “AE Shop Việt Nam” do đối tượng P.Đ.H (sinh năm 1996, địa chỉ tại Kênh Triều, Gia Lộc, Hải Dương) cầm đầu.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 3 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, Đội 2 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương và Công an xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc tiến hành kiểm tra Cửa hàng AE Shop do ông P.Đ.H làm chủ tại thôn Kênh Triều, xã Thống Kênh, thu giữ 1.800 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. 1.650 đôi giầy, quần áo, ví cầm tay... có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như hiệu “Adidas”, “BUBERRRY”, “GUCCI”, “LOUIS VUITTON”, “Dior”, “VERSACE” cùng gần 200 bộ quần áo bị thu giữ tại hiện trường.

Tổ công tác triển khai Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Tổ công tác 399) phối hợp với Cục An Ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) đã tiến hành rà soát “AE Shop Việt Nam” tại Hiệp Hòa- Bắc Giang, thu giữ khoảng 1.800 sản phẩm có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như hiệu “Adidas”, “BUBERRRY”, “GUCCI”, “LOUIS VUITTON”, “Dior”, “VERSACE”.

Lực lượng Quản lý thị trường Bắc Giang kiểm tra hàng hóa vi phạm tại cửa hàng AE Shop chi nhánh Bắc Giang. 

Ngày 18/1, Tổ công tác triển khai Kế hoạch 399 /KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Tổ công tác 399) phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) tiến hành rà soát “AE Shop Việt Nam” tại Đông Anh- Hà Nội thu giữ khoảng 3.400 sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, trong đó chiếm số lượng lớn là hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông P.Đ.H là chủ cửa hàng AE Shop thừa nhận việc sử dụng trang Facebook cá nhân có tên “AE Shop” và Zalo số điện thoại 0888994… để giới thiệu, chào bán hàng trực tuyến (online) các sản phẩm quần áo, giầy dép, phụ kiện thời trang giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng. Tại thời điểm kiểm tra, ông P.Đ.H không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Tổ công tác 399 đã tiến hành lập hồ sơ tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Liên quan tới vấn đề chống hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã đặt mục tiêu tập trung vào 2 nhóm nhiệm vụ chính là chống hàng giả, hàng nhái và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chống gian lận thương mại trên môi trường Internet. Không chỉ vậy, lực lượng còn lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng làm tốt việc chống buôn lậu và hành vi gian lận thương mại mới như xuất xứ hàng hóa và an toàn thực phẩm.

Thế nhưng, đến cuối tháng 1 đầu tháng 2/2020, dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng từ đầu năm của Tổng cục Quản lý thị trường. Xác định là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng, chống dịch, lực lượng đã nhanh chóng thể hiện là đơn vị xung kích, tiên phong đi đầu.

Đến nay, dù dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt nhưng lực lượng Quản lý Thị trường vẫn tiếp tục thể hiện vai trò trong bình ổn thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý và đặc biệt là kết hợp được hai nhiệm vụ chuyên môn chính đặt ra từ đầu năm.

Riêng với chống gian lận trên môi trường Internet, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng. Do vậy, qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, năm 2020, lực lượng đã tấn công, xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường Internet, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới, như trên các mạng xã hội, kênh bán hàng đa kênh livestream. Đơn cử như, tháng 7/2020 xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai. Việc này đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi thư biểu dương, động viên Quản lý Thị trường và các lực lượng chức năng.

Hơn nữa, lực lượng còn kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc bán khẩu trang, nước rửa tay lậu, kém chất lượng trên mạng xã hội; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế đã qua sử dụng thông qua mạng xã hội ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hà Nội…

Theo Nghị định 98 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Chính phủ ban hành, những trường hợp cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng với cá nhân vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện, mức phạt tiền sẽ cao hơn.

Ngoài ra, tùy nội dung từng hành vi có thể áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền ".vn" hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Theo Cục TMĐT (Bộ Công thương), các quy định mới với mức chế tài cao hơn nhằm buộc các sàn thương mại điện tử có giải pháp đảm bảo chỉ "bán hàng chính hãng đến người dùng".

Phong Lâm (theo VietQ)