» Tin tức » Nỗ lực ngăn chặn sản phẩm phòng dịch kém chất lượng

Nỗ lực ngăn chặn sản phẩm phòng dịch kém chất lượng

Ngày đăng: 18-06-2021

TT.CHG - Khác với giai đoạn trước, khẩu trang, thiết bị y tế trong nước thường bị buôn lậu sang nước ngoài thì thời gian gần đây, hành vi nhập lậu các trang thiết bị bảo hộ, phòng dịch từ bên kia biên giới có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt lượng lớn những thiết bị phòng chống dịch không nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng đã bị lực lượng chống buôn lậu thuộc Ban chỉ đạo 389 thu giữ…

Liên tiếp phát hiện và bắt giữ

Gần 1 triệu chiếc khẩu trang N95 có xuất xứ từ nước ngoài đã bị cơ quan Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thu giữ vào chiều tối ngày 25/5. Dù trên nhãn mác chi chít chữ tượng hình nhưng chủ lô hàng này không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Toàn bộ số hàng cũng không được cơ quan y tế trong nước thẩm định, cấp phép.

Lô hàng gần 1 triệu chiếc khẩu trang được nhập lậu về Việt Nam có giá khoảng 60 triệu đồng (khoảng 6.000 đồng/chiếc). Trong khi đó, giá khẩu trang N95 tại thị trường Việt Nam hiện tại khoảng 50.000 đồng/chiếc. Nếu buôn lậu trót lọt, số hàng này có thể mang về khoản lợi nhuận bất chính không nhỏ, trong khi đó không có bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng của những mặt hàng này.

Trước đó 1 ngày, ngày 24/5/2021, qua công tác trinh sát địa bàn, đội Cảnh sát kinh tế phối hợp với đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện 01 xe ô tô BKS 29C-84941 tại địa bàn phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội có nhiều biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, phát hiện trên xe ô tô có khoảng 71.100 chiếc khẩu trang y tế không có nguồn gốc xuất xứ.

Qua làm việc, lái xe khai nhận được một đối tượng người Trung Quốc thuê để vận chuyển số khẩu trang từ khu đô thị An Khánh, Hoài Đức về Bắc Từ Liêm để tiêu thụ. Từ thông tin này, đội Cảnh sát kinh tế đã tổ chức xác minh, xác định chủ lô hàng khẩu trang là Lin Xue Mei, SN 1989, đang tạm trú tại phòng 08A08S106-Vinsmart City, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội và tiến hành mời đối tượng về trụ sở cơ quan Công an để làm việc.

Lô hàng nước sát khuẩn tay giả bị lực lượng chức năng thu giữ. 

Cũng trong tháng 5/2021, Đội Quản lý thị trường số 14 đã tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại địa chỉ: Sảnh số 1, Tòa nhà Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện và thu giữ 15 thùng (tương đương 300 chai 500ml) nước sát khuẩn tay mang nhãn hiệu ASIRUB theo công dụng trên thân chai "chế phẩm sát khuẩn tay nhanh dùng trong gia dụng và y tế". Đặc biệt, trên vỏ chai có dán "xác thực chống hàng giả" với các mã số, tem, vạch đầy đủ.

Nhanh chóng sau đó, Đội Quản lý thị trường số 14 đã liên lạc với đại diện đăng ký và phân phối nhãn hiệu ASIRUB là Công ty Cổ phần Dịch vụ và thiết bị y tế An Sinh, ở địa chỉ Liền kề 23 lô 5 - KĐĐG Mậu Lương, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội để xác định dấu hiệu thật, giả của lô hàng đang bị Đội thu giữ.

Không chỉ riêng mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn bị làm giả, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên mạng xã hội và các chợ thương mại điện tử bắt đầu xuất hiện một số bài viết để quảng cáo, rao bán bộ thử nhanh Covid-19 của Hàn Quốc, với nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng. Điều đáng nói là việc bán những bộ thử này đều chưa được Bộ Y tế cấp phép.

Ngày 3/6/2021, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu Đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện 29 hộp Test thử nhanh COVID-19 nhãn “Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassetle". Mặt sau vỏ hộp còn thể hiện nội dung "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA". Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp đồng thời khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng Internet không hóa đơn chứng từ.

Chỉ sau đó vài ngày, ngày 7/6/2021, Đội QLTT số 13 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Cầu Giấy thực hiện khám xe 1 ô tô đang dừng đỗ tại toà nhà Tràng An complex, số 1 Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại thời điểm khám phát hiện trong xe ô tô có 400 hộp dụng cụ xét nghiệm Covid-19 Q Standard Covid-19 Ag Home Test loại 02 bộ/hộp có nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Chủ lô hàng không xuất trình được hoá đơn chứng từ hợp pháp của số hàng hóa trên. Đội QLTT số 13 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện Bộ Y tế, các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, thuộc Bộ Y tế thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Việt Nam đã quy định, kể cả các xét nghiệm nhanh cũng phải được sử dụng theo quy trình chuyên môn và phải bảo đảm an toàn sinh học.

Hiện nay chưa có đơn vị nào có chức năng, nhiệm vụ thẩm định các bộ test nhanh này. Phần lớn người dân mua theo đường không chính thống, nên chưa thể đánh giá những bộ test nhanh này là thật hay giả. Nếu muốn khẳng định, chúng ta cần có cơ quan chức năng trực tiếp giám định sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Bởi chỉ cần quy trình vận chuyển và bảo quản khác nhau thì chất lượng của bộ test cũng ảnh hưởng.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên mua các bộ thử nhanh Covid-19 về tự xét nghiệm.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Thời gian qua, để phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, các đơn vị chức năng xiết chặt quản lý biên giới, cửa khẩu nên hàng lậu, hàng cấm, hàng giả đưa vào nội địa giảm dẫn đến hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng lợi dụng các kho hàng của bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, giả xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sức khỏe của người dân. Găng tay, khẩu trang... mặt hàng phục vụ cho phòng chống dịch Covid-19 được vận chuyển trái phép qua tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh...

Nhận định thời gian tới, tình hình bệnh dịch Covid-19 ở trong nước và thế giới sẽ còn diễn ra phức tạp, tiểm ẩn nhiều nguy cơ khó lường nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi (nhất là bán hàng qua các trang mạng xã hội) chưa có chiều hướng giảm và còn tiểm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các đối tượng manh động, luôn tìm cách đối phó với các lực lượng chức năng, khó kiểm soát hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng kinh doanh các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi gây khó khăn cho các lực lượng chức năng và các địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện các chương trình, kế hoạch, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, nắm chắc đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đề ra nhiều giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các vụ vi phạm, không chạy theo sự vụ.

Đại diện cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chỉ đạo các phòng, đội quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đúng quy định pháp luật, đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của thành phố.

Thu Trang (theo BCĐ 389)