» Tin tức » Những vướng mắc trong việc xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Những vướng mắc trong việc xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Ngày đăng: 10-12-2019

TT.CHG - Trong thời gian vừa qua, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng đang diễn ra phổ biến với nhiều mức độ và tính chất nghiêm trọng khác nhau. Thực tế cho thấy, các vi phạm liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp có dấu hiệu ngày càng gia tăng, thậm chí xảy ra ngang nhiên, trắng trợn trong khoảng thời gian dài nhưng không được phát hiện và xử lý, phương thức, thủ đoạn cũng đa dạng, tinh vi như vi phạm về nhãn hiệu và  kiểu dáng công nghiệp.

Các đối tượng vi phạm là cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Hậu quả đã gây ra những thiệt hại cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và cho toàn xã hội.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo: Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao,Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, rà soát những vướng mắc của Điều 226 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và đề xuất biện pháp nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực trên.

Xét dưới góc độ pháp luật Hình sự, tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được quy định tại Điều 226 BLHS năm 2015 qui định:

Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng,... thì bị thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong điều luật có đề cập đến yếu tố "quy mô thương mại". Vậy thế nào là "quy mô thương mại"? Trong Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29 tháng 02 năm 2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đề cập đến thuật ngữ này. Theo đó "qui mô thương mại" được hiểu là đánh giá bằng tiêu chí mức độ từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng thể hiện bằng tiêu chí lợi nhuận, giá trị gây thiệt hại và giá trị hàng hóa. Nhưng Thông tư này hướng dẫn Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 1999, trong khi điều luật này chưa đề cập đến thuật ngữ "quy mô thương mại".

Mặt khác, yếu tố "quy mô thương mại” là căn cứ quan trọng để xác định việc cá nhân, tổ chức có vi phạm pháp luật hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không?        Như vậy, yếu tố

"quy mô thương mại” là trường hợp phạm tội mới được bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tình tiết "quy mô thương mại” trong khi đó các diều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên mặc dù đã có điều khoản quy định thuật ngữ này như Hiệp định TRISP, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ nhưng không giải thích cụ thể nên chưa có cơ sở để áp dụng trong thực tiễn xử lý.

Tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 quy định đối với tình tiết xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc "chỉ dẫn địa lý" từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào đó  xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra cho chủ sở hữu.

Về tình tiết đã bị xử phạt vi phạm hành chính Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 có điểm mới trong chế tài xử lý đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm. Theo đó, trong trường hợp pháp nhân có hành vi thu lợi bất chính từ từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng  nhưng đã bị "xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này" thì cũng bị  truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay các dấu hiệu xác định hành vi vi phạm hành chính như giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm; giá trị thu lợi bất chính; giá thị gây thiệt hại cho chủ sở hữu; quy mô thương mại được quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự chưa có các văn bản hướng dẫn thống nhất trong quá trình xử lý. Vì vậy, việc xác định tình tiết định tội "đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này" gặp rất nhiều khó khăn trong thực tiến hoạt đồng điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay.

Chưa có văn bản quy phạm pháp luật thống nhất hướng dẫn về sự phân định giữa hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối tượng điều chỉnh của Điều 226 Bộ luật Hình sự là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, nhưng Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại có quy định về lĩnh vực hàng giả. Theo đó, hàng giả được hiểu bao gồm cả hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 dẫn đến khó khăn trong việc xác định hành vi phạm tội đối với trường hợp hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý là hành vi vi phạm các quy định vể hàng giả hay hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Mặt khác, thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp còn gặp nhiều kho khăn trong việc liên hệ với các chủ sở hữu quyền đối với một số nhãn hiệu nổi tiếng. Đại diện của các nhãn hiệu đó không có văn phòng đại diện ở Việt Nam hoặc có nhưng không hợp tác đã gây ảnh hưởng làm kéo dài quá trình điều tra, xử lý vụ án.

Để thống nhất trong việc áp dụng các quy định của Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015, cần thiết sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm quyền tác giả; tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để bảo đảm có sự xác định rõ giữa khái niệm hàng giả và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý làm căn cứ cho việc định tội danh đúng pháp luật; sửa đổi, bổ sung pháp luật về sở hữu trí tuệ, trong đó cần xác định rõ căn cứ để xác định tình tiết "đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này" trong cấu thành tội phạm quy định tại khoản 4 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015. 

Ngoài ra, trong khi chờ các văn bản hướng dẫn thi hành, các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, lực lượng công an, quản lý thị trường, hải quan... các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.        

ĐOÀN NGỌC TOÀN (Theo BCĐ 389)