» Tin tức » Những khó khăn cần tháo gỡ trong xử lý các vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay

Những khó khăn cần tháo gỡ trong xử lý các vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay

Ngày đăng: 11-07-2020

TT.CHG - Thực tiễn công tác xử lý đối với các hành vi buôn lậu, gian lân thương mại và hàng giả tại các địa phương trong thời gian qua gặp không ít những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ.

Công chức Hải quan Đà Nẵng kiểm tra hàng hóa NK. Ảnh: M.Hùng

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ quy định của pháp luật có liên quan còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, chưa chặt chẽ. Đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng trong hoạt động kinh doanh, thương mại. 

Quy định của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính còn bất cập, thiếu đồng bộ

Một số hành vi vi phạm thuộc ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự chưa cụ thể, rõ ràng , do vậy việc áp dụng để xử lý trong thực tế có những vướng mắc nhất định. Cụ thể như: tình tiết tăng nặng  được quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 :"Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn" hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là vi phạm hành chính có quy mô lớn? trị giá hàng hóa vi phạm ở mức nào thì được gọi là trị giá hàng hóa lớn?.Do những quy định không cụ thể này đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi áp dụng tình tiết tăng nặng trong thực tiễn xử phạt, dẫn đến tùy tiện.

Tính pháp chế của hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa cao được thể hiện ở việc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính còn mâu thuẫn, thiếu thống nhất, đồng bộ. Cụ thể như: Quy định về thời hạn tạm giữ tang vật để xác định trị giá tối đa không quá 48 tiếng. Điều này không phù hợp với thực tế bởi, để định giá được tài sản phải thành lập Hội đồng định giá và phải có thời gian để xac định số lượng, chủng loại, chất lượng, tình trạng hàng hóa. Như vậy việc quy định thời hạn tạm giữ như trên là quá ngắn nên trong quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn.

Việc quy định người vi phạm hành chính buộc phải "nộp lại số lợi bất hợp pháp" có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính tại một số văn bản (Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước) chưa hướng dẫn cụ thể cách xác định số lợi bất hợp pháp nên các lực lượng thực thi pháp luật lúng túng trong quá trình áp dụng.

Công tác đấu tranh, xử lý đối với các cá nhân là người nước ngoài có liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường hiện nay gặp khó khăn đối với những vụ việc có yếu tố người nước ngoài (thủ tục phức tạp) dẫn đến việc xử lý bị kéo dài.

Một số quy định của hệ thống Pháp luật hình sự hiện hành chưa phù hợp, khó thực hiện.

Cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chứng minh đối với những vụ việc thuộc lĩnh vực hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp.Cụ thể: Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 226 BLHS năm 2015 có đề cập đến yếu tố "quy mô thương mại". Nhưng hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn thế nào là "quy mô thương mại" đo vậy việc áp dụng điều luật này trên thực tế khó thực hiện.

Hoặc khái niệm "hàng giả" được quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015). Tuy nhiên khi đưa ra xem xét việc xử lý hình sự đối với trường hợp trên vẫn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát). Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật thống nhất hướng dẫn về sự phân định giữa hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quá trình xem xét việc xử lý hình xự các vụ việc trên thực tế đã, đang xảy ra hiện nay có liên quan đến tội Buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 cũng có những vướng mắc trong quá trình điều tra như: Khó khăn trong việc xác định yếu tố "biên giới" trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ trong nội địa (các cảng ICD, sân bay quốc tế...); khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa (thông qua việc xác minh nước ngoài); khó khăn xác minh nguồn tiền giao dịch (vì có cơ chế biên mậu);  xác minh tài khoản ngân hàng (vì qui định của hệ thống ngân hàng phải khởi tố vụ án hình sự thì ngân hàng mới cung cấp)...

Đề xuất hướng xử lý

Để giải quyết các vướng mắc trên, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp tình hình thực tiễn tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quá trình áp dụng pháp luật.Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài theo hướng các tổ chức, cá nhân phải xuất trình hóa đơn, chứng từ nhập khẩu ngay khi các lực lượng chức năng kiểm tra trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Bổ sung các quy định về chất lượng, kỹ thuật, quy chuẩn của hàng hóa cùng với chứng từ hóa đơn.

Có hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc xác định trị giá hàng hóa trong các vụ án buôn lậu. Chẳng hạn đối với lô hàng nhập khẩu thì việc xác định trị giá căn cứ vào trị giá khai báo trên tờ khai hải quan đã được thông quan hàng hóa.

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết hướng dẫn làm căn cứ xác định tội danh có liên quan đến các tội thuộc lĩnh vực sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền tác giả...

Đoàn Ngọc Toàn (Theo BCĐ 389)