» Tin tức chống hàng giả » Ngành Hải quan lật tẩy nhiều hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa

Ngành Hải quan lật tẩy nhiều hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa

Ngày đăng: 17-02-2020

TT.CHG - Nghi ngờ và phát hiện nhiều hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, Tổng cục Hải quan đã cảnh báo tới các đơn vị hải quan địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Nhiều hình thức gian lận

Thời gian qua, bằng các biện pháp nghiệp vụ và qua công tác kiểm tra, cơ quan Hải quan đã phát hiện có hiện tượng doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu tại một chi cục hải quan, xuất khẩu tại một chi cục hải quan khác với chi cục hải quan nhập khẩu để tránh việc phát hiện hàng hóa nhập khẩu không trải qua quá trình sản xuất, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định hoặc hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc nhưng khi xuất khẩu ghi xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan, bao bì, hàng hóa xuất khẩu.

Một thủ đoạn khác cũng bị cơ quan Hải quan phát hiện đó là doanh nghiệp trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên tờ khai, bao bì, hàng hóa xuất khẩu ghi xuất xứ Việt Nam. Cơ quan Hải quan qua kiểm tra cho biết một số công ty không có hoạt động sản xuất, thực hiện nhập khẩu hàng hóa nguyên chiếc từ nước ngoài hoặc từ doanh nghiệp khác trong nước để xuất khẩu.

Cùng với đó, cơ quan Hải quan cũng “lật tẩy” hành vi nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa có mã số HS đầu vào và đầu ra trùng nhau hoặc vừa nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu/bán thành phẩm về để sản xuất hàng hóa xuất khẩu vừa nhập khẩu hàng hóa cùng loại với hàng hóa xuất khẩu hoặc ngoài việc xuất khẩu sản phẩm may mặc từ nguyên liệu nhập khẩu còn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng nội địa.

Cụ thể, hiện tượng một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc nhóm mặt hàng cáp điện, giấy, linh kiện điện tử, bảng mạch, tấm pin năng lượng mặt trời, các sản phẩm làm bằng nhôm, thép về gia công, sản xuất, lắp ráp. Sản phẩm khi xuất khẩu chỉ trải qua các công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng quy tắc xuất xứ nhưng khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu và trên bao bì, hàng hóa ghi dòng chữ “Made in Vietnam”.

Và hiện tượng nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài nhưng trên hàng hóa không thể hiện nhãn hiệu, xuất xứ hoặc nhãn mác gắn trên bao bì, hàng hóa nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng được ghi bằng tiếng Việt cũng đã bị cơ quan Hải quan phát hiện. Như trường hợp đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc, trên thùng carton đựng sản xuất có nhãn thể hiện số lượng, trọng lượng, kích thước nhưng không thể hiện tên hàng hóa, người sản xuất, xuất xứ.

Triển khai nhiều biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt

Trước những vi phạm này, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục tại các chi cục hải quan trực thuộc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh công chức hải quan còn buông lỏng quản lý, chưa chú trọng công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp có hành vi xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nhưng chỉ thực hiện công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chú xuất xứ theo quy định.

Đặc biệt, để kịp thời ngăn chặn các hành vi liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt các hướng dẫn tại Công văn 5189/TCHQ-GSQL, Kế hoạch 441/KH-TCHQ, Chỉ thị 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2019 của Tổng cục Hải quan.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát, xác định doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch tăng đột biến, giao dịch bất thường để áp dụng các biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh, làm rõ; đặc biệt chú trọng đối với nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Canada…

Đối với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra, đối chiếu cụ thể thông tin về lô hàng tại hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) trong quá trình làm thủ tục hải quan, và khi thực hiện thu thập thông tin về doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các hành vi hoặc dấu hiệu vi phạm, qua đó áp dụng các biện pháp xử lý theo đúng quy định.

Đặc biệt, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý để xác định doanh nghiệp có hoạt động gia công, lắp ráp, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Trong đó, chú trọng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ đối với doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông về sản xuất, lắp ráp, gia công công đoạn đơn giản, sau đó xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ, EU, Canada… không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định thì không được khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu, bao bì/hàng hóa khi xuất khẩu mà phải thực hiện khai xuất xứ theo đúng nguồn gốc của hàng hóa nhập khẩu. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có hành vi khai không đúng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thì thực hiện xử lý vi phạm theo quy định.

Cùng với đó, Tổng cục cũng lưu ý các đơn vị thường xuyên rà soát các tờ khai sửa đổi, bổ sung; đối với hàng hóa đưa về bảo quản thực hiện theo đúng quy định tại Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu); việc hủy tờ khai hải quan phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC)…    

Được biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã và đang thực hiện phân tích các số liệu thống kê XNK và các nguồn thông tin khác để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ để áp dụng kiểm tra, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý nghiệp vụ chuyên sâu. Những vi phạm này nhằm mục đích hưởng thuế ưu đãi đặc biệt từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, lẩn tránh thuế do sản phẩm không đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ được hưởng ưu đãi...

HẢI NAM (Theo BCĐ 389)