» Tin tức chống hàng giả » Mối nguy từ bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ

Mối nguy từ bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày đăng: 21-05-2025

TT.CHG - Hiện nay, trên thị trường xuất hiện tràn lan bột ngọt san chia, sang chiết không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác.

Nhiễu loạn thị trường mì chính

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, hiện nay trên thị trường xuất hiện hơn 30 nhãn hiệu mì chính không rõ nguồn gốc, được các cá nhân, tổ chức tự ý phối trộn, sang chiết và đóng gói lại. Điều đáng lo ngại là các sản phẩm này đang được bày bán công khai, không chỉ tại các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa mà còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử và một số siêu thị lớn.

Hơn 30 nhãn hiệu mì chính san chia, sang chiết, đóng gói lại được bán tràn lan thị trường. (Ảnh minh hoạ)

Đặc điểm chung của các sản phẩm này là không ghi rõ xuất xứ hoặc địa chỉ sản xuất, vi phạm quy định bắt buộc theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Nghị định 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Thông tin từ bao bì của hơn 30 sản phẩm này cho thấy, những nhãn hiệu mì chính không rõ nguồn gốc xuất xứ được đóng gói tại 9 địa phương, cụ thể:

Địa phương (tỉnh/thành phố) có tổ chức, cá nhân đang san chia, đóng gói lại mì chính không ghi xuất xứ, không rõ nguồn gốc

Số lượng tổ chức, cá nhân đang san chia, đóng gói lại mì chính không ghi xuất xứ, không rõ nguồn gốc

Số lượng nhãn hiệu mì chính do các tổ chức, cá nhân san chia, đóng gói lại không ghi xuất xứ, không rõ nguồn gốc đang bán trên thị trường

Tại Hà Nội

Có 8 tổ chức, cá nhân

San chia, đóng gói vào 9 nhãn hiệu mì chính

Tại Hồ Chí Minh

Có 8 tổ chức, cá nhân

San chia, đóng gói vào 10 nhãn hiệu mì chính

Tại Đà Nẵng

Có 2 tổ chức, cá nhân

San chia, đóng gói vào 2 nhãn hiệu mì chính

Tại Vĩnh Phúc

Có 2 tổ chức, cá nhân

San chia, đóng gói vào 2 nhãn hiệu mì chính

Tại Gia Lai

Có 1 tổ chức, cá nhân

San chia, đóng gói vào 2 nhãn hiệu mì chính

Tại An Giang

Có 1 tổ chức, cá nhân

San chia, đóng gói vào 1 nhãn hiệu mì chính

Tại Quảng Trị

Có 1 tổ chức, cá nhân

San chia, đóng gói vào 1 nhãn hiệu mì chính

Tại Bình Định

Có 1 tổ chức, cá nhân

San chia, đóng gói vào 1 nhãn hiệu mì chính

Tại Bình Dương

Có 1 tổ chức, cá nhân

San chia, đóng gói vào 1 nhãn hiệu mì chính

 

Trước đó, thị trường bột ngọt nhiều phen rúng động trước hàng loạt vụ việc bị phát hiện về bột ngọt giả, bột ngọt san chia. Cụ thể, ngày 26/04, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam bị Công An Phú Thọ đột kích và phát hiện 40 tấn bột ngọt (mì chính) giả cùng hơn 1.220 tấn bột ngọt mì chính san chia, đóng gói có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác.

 

Công an tỉnh Phú Thọ đột kích và thu giữ mì chính giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam ngày 24/4 vừa qua. (Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ)

Cảnh báo tình trạng ghi nhãn mập mờ sản phẩm bột ngọt, gia vị nhập khẩu "khoác áo" Việt Nam

Đầu tháng 4 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành quyết định tạm dừng lưu thông đối với 4 lô sản phẩm bột ngọt do Công ty Liên Sen (TP.HCM) phân phối. Các sản phẩm này được gắn nhãn “đóng gói tại Việt Nam” nhưng không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất bột ngọt trong nước mà chỉ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và tiến hành đóng gói lại tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin này lại không được thể hiện rõ trên bao bì, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về nguồn gốc thực sự của sản phẩm.

Sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ghi nhãn không minh bạch, đặc biệt đối với các sản phẩm gia vị, phụ gia thực phẩm nhập khẩu nhưng lại sử dụng hình ảnh, thông tin khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là sản phẩm nội địa.

 

Sát sao chống bột ngọt đóng gói lại không rõ xuất xứ tại từng địa phương

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, cơ quan liên quan về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cương quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng này, trước mắt là mở đợt tấn công cao điểm trên phạm vi cả nước, trong vòng 1 tháng từ ngày 15/5-15/6, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, góp phần phục vụ xã hội, kinh tế phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an ninh an toàn, chăm sóc sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Bột ngọt là gia vị quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của hàng triệu gia đình. Vì lẽ đó, không thể để tình trạng bột ngọt đóng gói lại không rõ xuất xứ, bột ngọt giả kém chất lượng nguy cơ sức khỏe này len lỏi vào bữa cơm của người dân. Tại từng địa phương, công tác kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng cần được thúc đẩy mạnh mẽ, xử lý sớm đẩy lùi tiến tới dứt điểm tình trạng này.

Bên cạnh ảnh hưởng sức khỏe người dân, Tình trạng mì chính san chia, đóng gói lại tràn lan còn gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp chân chính. Các đơn vị này chỉ cần nhập khẩu, đóng gói đơn giản mà không đầu tư hạ tầng, trong khi doanh nghiệp sản xuất nội địa phải đầu tư lớn vào nhà xưởng, thiết bị và nguyên liệu, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh.

Mặt sau bao bì mì chính san chia, đóng lại (trái) và mì chính sản xuất trực tiếp tại Việt Nam (phải).

Với chiến dịch và sự vào cuộc mạnh mẽ tới đây của Chính phủ, hy vọng không chỉ mì chính mà tất cả các mặt hàng không ghi xuất xứ, không rõ nguồn gốc sẽ sớm được xử lí, góp phần thanh lọc thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Trong lúc đó, người tiêu dùng cũng nên tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng việc kiểm tra kĩ thông tin sản phẩm trước khi mua để tránh mua phải các mặt hàng san chia, đóng gói lại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các sản phẩm san chia, đóng gói lại có mặt sau bao bì thường ghi các thông tin: Đóng gói tại, hoặc Cơ sở đóng gói, hoặc Phối trộn tại, hoặc Hoàn tất tại…Với các sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, mặt sau bao bì chỉ thể hiện một trong các thông tin Xuất xứ: Việt Nam, hoặc Sản xuất tại: Tên và địa chỉ công ty tại Việt Nam.

Đại Bàng

Theo Congthuong.vn