» Tin tức » Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng

Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng

Ngày đăng: 11-03-2020

TT.CHG - Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia với lực lượng quản lý thị trường trong thực hiện các nhiệm vụ được giao trong năm 2020.

Theo Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là sản xuất kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, các loại hàng giả, hàng nhập lậu, hàm kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi; gian lận về giá, về đo lường với những thủ đoạn tinh vi vẫn đang diễn biến phức tạp…

Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy của Chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt là việc triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quyết tâm ngăn chặn tình trạng tham nhũng, “tham nhũng vặt”, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào lực lượng Quản lý thị trường. Đề cao trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu, nếu địa bàn nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về sản xuất, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng… hoặc có công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đững đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác, nếu xác định có vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, về tác hại của các hành vi kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc đến từng hộ kinh doanh. Phát động các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, gian lận số lượng, chất lượng lừa dối người tiêu dùng. Phối hợp tốt với các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí, các hiệp hội, ngành nghề, nhất là các người dân trong thực hiện công vụ, thu thập thông tin, theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Đặc biệt, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là với lực lượng hải quan để kiểm soát tốt hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, có các biện pháp phù hợp theo dõi các lô hàng được miễn kiểm tra thực tế tại thời điểm thông quan để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu hàng hóa. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đảm bảo ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật từ xa.

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế của lực lượng quản lý thị trường để sớm đi vào ổn định, tập trung lực lượng vào công tác đấu tranh, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng với đó, Phó thủ tướng yêu cầu từ thực tiễn hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn thiếu, bất cập, sơ hở, nhất là các biện pháp tăng mạnh chế tài xử phạt hành chính để răn đe, phòng ngừa vi phạm hiệu quả.

Được biết, năm 2019, với việc phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng; trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng (tăng 93% so với cùng kỳ năm 2018) góp phần tăng thu NSNN, bảo vệ sản xuất trong nước, môi trường đầu tư kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia – đánh giá, lực lượng Quản lý thị trường là 1 trong 7 lực lượng nòng cốt của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, với mô hình mới, Quản lý thị trường đã phát huy tính hiệu quả, tạo sự chỉ đạo xuyên suốt từ Tổng cục đến địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại.

Thực tế này cho thấy, sau một năm hoạt động theo mô hình Tổng cục ngành dọc từ trung ương đến địa phương, lực lượng Quản lý thị trường đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, phối hợp giữa các đơn vị trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ, Tổng cục xuống các cục, đội lực lượng Quản lý thị trường làm nên thành công của những vụ “đánh trúng” vào đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Tuy nhiên, kết quả đó cũng có sự đóng góp quan trọng của phối hợp “ngang”, đó là sự phối hợp giữa Tổng cục với Bộ đội Biên phòng, Công an kinh tế, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội (HATAP), Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (VICETA), cũng như với các đơn vị tham mưu thuộc Bộ.

Năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường đã “khai hỏa” vào những điểm nóng về hàng lậu, hàng giả trên cả nước, như: 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TP. Hồ Chí Minh; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam"; vụ việc kiểm tra, xử lý 3.108 chai rượu nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình; vụ việc 2 xe container chứa hàng tấn thực phẩm đông lạnh gồm lưỡi vịt, trứng non, nầm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội ngày 30/12/2019; chuyển Cơ quan điều tra xem xét xử lý 03 vụ việc liên quan đến vi phạm về C/O tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tầu, Bình Dương và Vĩnh Phúc; Chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận…

THU TRANG (Theo BCĐ 389)