» Tin tức » Kiên quyết đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ

Kiên quyết đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ

Ngày đăng: 21-11-2019

TT.CHG - Chuyển tải hợp pháp sẽ góp phần cải thiện cán cân thương mại với Mỹ, nhưng ngược lại, chuyển tải bất hợp pháp làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tính tuân thủ cao của Việt Nam. Bởi “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ khiến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đàng hoàng của Việt Nam sẽ có nguy cơ chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi xuất hàng vào Mỹ, làm tăng nguy cơ hàng hóa XK (bao gồm hàng hóa của doanh nghiệp tuân thủ) của Việt Nam bị áp thuế cao hơn. Ngoài ra, các quốc gia khác, thị trường cũng cảnh giác với hàng hóa Việt Nam.

Tại sao “Chuyển tải qua Việt Nam”?

Đây là vấn đề được ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi Thương mại phân tích tại Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. “Việt Nam là một đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng khi tham gia một số các FTA với tất cả các nền kinh tế chính-tiềm năng trở thành “trung tâm đầu tư”; có chính sách hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt Việt Nam là nguồn NK lớn thứ 5 của Hoa Kỳ tại châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ); hội nhập sâu trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm”-ông Claudio Dordi cho biết.

Những quan ngại của ông Claudio Dordi cũng chính là vấn đề mà Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan Hải quan đã và đang quyết liệt triển khai trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trong hội nghị đã truyền tải đến các cơ quan, DN và các bên liên quan thông điệp: Quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan và các đơn vị chức năng trong đấu tranh chống lại vấn nạn về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Với mục tiêu nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, công bằng, minh bạch, tiếp tục góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển bền vững.

Phân tích cụ thể về vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết Tổng cục Hải quan đã đánh các nhóm hàng có nguy cơ gian lận cao để đề ra các biện pháp ngăn chặn, trong đó kim ngạch XNK tăng đột biến là yếu tố quan trọng để cơ quan Hải quan tăng cường cảnh giác. Trong đó, một loạt các nhóm hàng Tổng cục Hải quan đưa vào danh sách nguy cơ cao như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; Nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; Xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; Gỗ và các sản phẩm từ gỗ; Dệt may; Da giày, túi xách, va li, mũ, ô, dù; thủy sản; Giấy và các sản phẩm từ giấy; Đinh vít, máy móc, thiết bị khác.

Trong các giải pháp đã triển khai, ông Âu Anh Tuấn cho biết, cơ quan Hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quốc tế trong đấu tranh, ngăn chặn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan, cơ quan điều tra các nước để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận, giảo mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp phát, bảo về quyền lợi chính đáng của DN, bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan Hải quan cũng hợp tác với Cơ quan phòng chống gian lận Châu Âu (Olaf) để phối hợp điều tra, xác minh các hành vi gian lận xuất xứ đối với một số mặt hàng như tấm pin năng lượng mặt trời, thép phủ sơn, tôm sú và tôm thẻ chân trắng, xe đạp, xe đạp điện, tế bào quang điện…

Bên cạnh đó, các phương thức, thủ đoạn gian lận cũng được cơ quan Hải quan cùng các cơ quan chức năng nhận diện; nhiều vụ việc gian lận đã kịp thời bị phát hiện, cho thấy sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Ông Âu Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Hải quan xác định phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ… đối với hàng hóa XNK nhằm trốn thuế, đánh lừa người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và cấp bạch của ngành Hải quan. Triển khai chiến dịch cao điểm về phòng chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp trong tháng 11 và tháng 12/2019; chuyển luồng kiểm tra 100% hoặc lấy mẫu để xác minh đối với các lô hàng XK đi Hoa Kỳ có nghi vấn gian lận…

Chống gian lận xuất xứ: Vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới

Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là vấn đề không chỉ ở nước ta mà tại nhiều nước trên thế giới, đây là cuộc chiến diễn ra trong nhiều năm qua.

Theo ông Claudio Dordi-Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi Thương mại, chuyển tải không phải là hiện tượng mới, ông dẫn chứng: Giai đoạn 2002-2006, các hành động chống bán phá giá của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc đã tỷ lệ thuận với lượng hàng hóa NK từ các nước thứ ba và lượng hàng hóa XK từ Trung Quốc cũng san nước thứ ba này, đặc biệt là các sản phẩm chịu thuế chống bán phá giá.

Ông Tatsuyuki IMAIZUMI-Trung tâm Quy tắc xuất xứ EPA, Hải quan Nhật Bản cũng đưa ra những ví dụ về các mặt hàng cơ quan Hải quan nước này đã phát hiện như: Mặt hàng sứa muối; mặt hàng khăn bông Micro-fiber; bim bim.

Ông Guy Jennes - trưởng Ban gian lận thương mại và hải quan, Cơ quan chống gian lận châu Âu - cho biết cơ quan này mất rất nhiều thời gian điều tra, xác định pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã gian lận xuất xứ. Cụ thể cuối năm 2013, EU áp thuế suất chống bán phá giá cùng trợ giá đối với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Lượng nhập khẩu mặt hàng này tăng vọt nên EU đã chủ động có biện pháp kiểm soát. Năm 2014, có những lô hàng này nhập khẩu vào EU từ Nhật Bản. Khi kê khai, doanh nghiệp đã nộp một số chứng từ. 

Ông Guy Jennes cho biết: “Ban đầu chúng tôi không để ý nhiều đến các giấy tờ đó, nhưng khi phân tích thì thấy có nghi vấn không phải được phát hành từ Nhật Bản. Cùng với đó, chúng tôi kiểm tra số hiệu container, kết hợp với việc điều tra và sự hợp tác của các doanh nghiệp Nhật Bản. Kết quả là lô hàng chỉ được đóng vào container và chuyển qua Nhật Bản, sau đó được nhập vào EU”.

“Đối tượng thực hiện việc chuyển tải bất hợp pháp này rất ma mãnh. Họ chuyển hàng từ Trung Quốc, sang Nhật Bản rồi sang EU, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Không chỉ đi qua Nhật Bản để vào EU mà nhiều doanh nghiệp EU đã có khiếu nại rằng có nhiều lô hàng tiếp theo được xuất khẩu từ Trung Quốc sang Malaysia, Ấn Độ và sau này là Việt Nam. Những lô hàng chuyển tải bất hợp pháp gây tổn hại về tài chính cũng như kinh tế đến liên minh Châu Âu”-ông Guy Jennes thông tin. 

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chuyên gia về xuất xứ, liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu - ông Brain Staples khuyên nên thực hiện cơ chế là bảo lãnh thông quan. Đó là doanh nghiệp phải mua bảo lãnh thông quan. Khi được bảo lãnh, công ty bảo hiểm sẽ phải đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp qua tình hình tài chính, giao dịch, uy tín tín dụng của doanh nghiệp như thế nào... Điều này giúp ngăn ngừa được những vấn đề gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Đặc biệt, các chuyên gia quốc tế về hải quan, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng gợi ý về sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan hải quan với cộng đồng doanh nghiệp. Bởi cộng đồng doanh nghiệp là người hiểu, biết rõ nhất doanh nghiệp nào trong ngành của mình làm ăn chân chính, đơn vị nào có gian lận. 

Box: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh như: Dây điện với 252%, chất dẻo nguyên liệu 147%; máy vi tính, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ là 140%; máy vi tính, sản phâm điện tử và linh kiện tăng hơn 100$; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng hơn 98%.

Đối với thị trường EU, các mặt hàng XK tăng trưởng mạnh gồm: Chất dẻo nguyên liệu 1199%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện hơn 132%, gạo 130%, phân bón các loại 126%; Clanhke và xi măng 94%.

Phân tích chiều ngược lại, Tổng cục Hải quan cho biết, nhiều mặt hàng NK từ Trung Quốc tăng trưởng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện hơn 53%; sản phẩm từ kim loại thường khác hơn 52%; dây điện và dây cáp điện hơn 47%; gỗ và sản phẩm gỗ hơn 42%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh hơn 34%.

NGỌC LINH (Theo BCĐ 389)