» Tin tức » Gia Lai xây dựng cơ chế đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

Gia Lai xây dựng cơ chế đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

Ngày đăng: 25-05-2023

TT.CHG - UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 1122/KH-UBND ngày 19/5/2023 về việc triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2025.

Lực lượng Công an phối hợp với Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn

UBND tỉnh đặt ra mục tiêu: Triển khai đồng bộ, hiệu quả, các quy định của pháp luật về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm. Bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp v à người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững.

Theo đó, nhiệm vụ đặt ra đối với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Chỉ đạo, đôn đốc việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, các địa phương trong việc thực hiện các nội dung của Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xem xét, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc, những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, địa bàn quản lý; Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của các lực lượng được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan; thực hiện chế tài xử lý vi phạm đối với chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT khi không lưu giữ thông tin của tổ chức, cá nhân bán hàng thông qua sàn TMĐT theo quy định; Thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát theo định kỳ nhằm nâng cao năng lực phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đồng thời phát hiện sớm, ngăn ngừa vi phạm xảy ra ở quy mô lớn.

Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; theo dõi, đánh giá hiệu quả việc triển khai thi hành pháp luật về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, báo cáo kết quả thực hiện Đề án, dự án theo quy định của pháp luật; Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ Quy chế phối hợp quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh và phát triển hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh... Phối hợp với các sở, ban, ngành và các tổ chức có liên quan tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý bán hàng trên môi trường TMĐT; đồng thời, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Bộ Công Thương khi ban hành có hiệu lực; Phối hợp với các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 và các đơn vị có liên quan, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng giả; đặc biệt đối với các sàn TMĐT lớn và các trang mạng xã hội tại địa phương; Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực phục vụ TMĐT; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động TMĐT; khuyến khích người dân chủ động, tích cực tham gia tố giác hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT;

Cục quản lý thị trường Gia Lai: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong TMĐT; xây dựng các giải pháp nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; Tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật ; Chủ trì xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ v ề phòng chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là kỹ năng, phương pháp thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT.

Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức cá nhân trong việc lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Phối hợp Cục Quản lý thị trường Gia Lai tập huấn kiến thức nghiệp vụ về phòng chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, trao đổi thông tin nghiệp vụ, tình hình tội phạm về hàng giả và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra giám sát việc sử dụng, ngừng, tạm ngừng, thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp đưa thông tin đầy đủ, chính thống về việc tuyên truyền phổ biến, cảnh báo về các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT; Đẩy mạnh tuyên truyền các vụ án, vụ việc điển hình góp phần răn đe, cảnh tỉnh và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch mua bán trên môi trường TMĐT.

Cục Hải quan, Cục Thuế:Tổ chức thực hiện các biện pháp phát hiện, kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT.Tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT; chủ động chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đối với những tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT để phối hợp xử lý.

Đặng Thu Hằng (theo BCĐ 389)