» Tin tức » Đã có chế tài quản lý chặt cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón

Đã có chế tài quản lý chặt cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón

Ngày đăng: 22-11-2019

TT.CHG - Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý thị trường phân bón, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020. Trong đó, Nghị định quy định rõ việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón.

Cụ thể, theo quy định của Chính phủ điều kiện sản xuất phân bón cụ thể như sau: Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài; có nhà xưởng kết cấu vững chắc; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng. Dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất phân bón phải phù hợp với quy trình sản xuât từng loại phân bón, dạng phân bón quy định Nghị định này. Có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025 hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trừ các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón. Có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 01 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

Chính phủ quy định rõ đối với các trường hợp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón như: Sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng thực tế làm sai lệch bản chất của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận.. Việc thu hồi Giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thực hiện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin vi phạm, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tổ chức thẩm định thông tin và ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận khi cơ sở sản xuất hoặc buôn bán phân bón vi phạm một trong các quy định; đăng tải quyết định trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành quyết định. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận chỉ được xem xét tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận sau 24 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi.

Về điều kiện tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón ngoài các giấy tờ, tài liệu theo quy định về nhập khẩu hàng hóa thì phải nộp (trực tiếp hoặc thông qua Hệ thống Một cửa quốc gia) cho cơ quan Hải quan: Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu đối với trường hợp quy định tại Luật Trồng trọt; Giấy phép nhập khẩu phân bón đối với trường hợp quy định tại Luật Trồng trọt.

Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển phân bón; xuất khẩu, nhập khẩu phân bón. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón. Quản lý đăng ký, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo và sử dụng phân bón ở Việt Nam. Tổ chức nghiên cứu, thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu về sản xuất, buôn bán phân bón; hợp tác quốc tế về lĩnh vực phân bón. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quản lý phân bón.  Xây dựng hệ thống phòng thử nghiệm đủ năng lực phục vụ quản lý nhà nước về phân bón; chỉ định phòng thử nghiệm kiểm chứng làm trọng tài và kết luận cuối cùng khi có tranh chấp, khiếu nại về kết quả thử nghiệm phân bón.

Phân cấp, ủy quyền quản lý phân bón cho cơ quan trực thuộc và địa phương; kiểm tra trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý phân bón; giao Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định này theo thẩm quyền.

T.LAN (Theo BCĐ 389)