» Tin tức » Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương nâng cao hiệu quả phối hợp phòng, chống tội phạm kinh tế, buôn lậu

Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương nâng cao hiệu quả phối hợp phòng, chống tội phạm kinh tế, buôn lậu

Ngày đăng: 26-11-2021

TT.CHG - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình thực hiện công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, trong đó đề ra yêu cầu phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng chống tội phạm; nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm.

Tăng cường phối hợp các lực lượng ngăn chặn tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ảnh: TH

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ phân công trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành như: Bộ Công Thương thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại. Kiểm tra xử lý vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh XNK tiền chất công nghiệp, kinh doanh đa cấp trái phép, cạnh tranh không lành mạnh... Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm 2021-2025.

Bộ Tài chính tổ chức thực hiện phòng chống tội phạm theo lĩnh vực quản lý như: Tài chính, chứng khoán, XNK; chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bộ Quốc phòng thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường công tác phối hợp phòng chống tội phạm khu vực biên giới, trên biển ; tăng cường trao đổi thông tin, xử lý tội phạm hoạt động tren không gian mạng...

Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh; trước mắt triển kahi đấu tranh có hiệu quả các tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen"; tội phạm lợi dụng hoạt động  khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai...

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ công tác phòng, chống tội phạm; Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở những nơi để tội phạm gia tăng, kéo dài gây bức xúc trong nhân nhân. 

Mai Ka (theo BCĐ 389)