Ngày đăng: 16-05-2025
TT.CHG - Ban Chỉ đạo 751 sẽ trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết chung về các nguyên tắc và giải pháp tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng.
Chiều 15/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo 751 (theo Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 11/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ) với lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương về nguyên tắc, giải pháp dự kiến giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho ý kiến về nguyên tắc, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Tại buổi làm việc với các bộ, ngành chức năng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã cùng các lãnh đạo xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các nguyên tắc và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công và tư nhân tồn đọng kéo dài. Đây là một trong những vấn đề cấp thiết, có tác động lớn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay trên cả nước có hơn 2.200 dự án đang trong tình trạng “đắp chiếu” hoặc dừng triển khai, với tổng vốn đầu tư lên tới 5,8 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 230 tỷ USD). Đây là nguồn lực khổng lồ đang bị lãng phí, gây nghẽn mạch phát triển, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, việc làm và niềm tin của xã hội.
"Một nguồn lực rất lớn đang tồn đọng, nếu chúng ta tập trung khắc phục được những khó khăn đối với các dự án này sẽ khơi thông được một nguồn lực đáng kể để đưa vào nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đắc lực phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng", Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu, đồng thời hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Tài chính và các bộ, ngành chức năng thời gian qua đã có những tham mưu, đề xuất thiết thực, sát thực tế và rất cụ thể trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án.
Cơ bản đồng tình với các nguyên tắc và giải pháp do Bộ Tài chính đề xuất tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định đây là cơ sở quan trọng để tiến tới việc ban hành một Nghị quyết chung của Chính phủ, nhằm xử lý đồng bộ các tồn đọng trong lĩnh vực đầu tư công và tư nhân. Việc ban hành Nghị quyết không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ trong việc khơi thông nguồn lực, mà còn là một bước đi thiết thực hướng tới tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư ở cả trung ương và địa phương.
Trước khi trình Chính phủ ban hành Nghị quyết, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Tài chính gửi dự thảo nội dung nguyên tắc và giải pháp tháo gỡ tới các địa phương để lấy thêm ý kiến đóng góp, qua đó hoàn thiện bộ khung chính sách có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn triển khai ở từng vùng, từng địa phương. Đặc biệt, các địa phương được yêu cầu rà soát, đối chiếu các dự án vướng mắc thuộc phạm vi quản lý của mình với bộ nguyên tắc và giải pháp dự kiến, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch tháo gỡ riêng cho từng dự án, trình lên Ban Chỉ đạo. Cách tiếp cận này nhằm phân cấp rõ ràng, giao trách nhiệm cụ thể, khuyến khích tính năng động và tinh thần trách nhiệm ở cấp địa phương, đồng thời tạo điều kiện để các vướng mắc được giải quyết sát thực tế và kịp thời.
"Khi Chính phủ có nghị quyết, chúng ta sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc để quán triệt, triển khai; công khai rõ các các nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Đây là chủ trương chung của đất nước, tháo gỡ chung cho nền kinh tế, không phải tháo gỡ khó khăn cho một cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nào, phải bảo đảm công khai và minh bạch. Tại hội nghị này cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tham gia, để sau đó giám sát", Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu.
Theo thống kê hiện có hơn 2.200 dự án tồn đọng, với lượng vốn đầu tư lên tới 5,8 triệu tỷ đồng, tương đương với 230 tỷ USD.
Nguyễn Hạnh
Theo Congthuong.vn