Ngày đăng: 26-08-2019
TT.CHG - Lãnh đạo 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới gặp nhau tại Pháp trong bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu và quan hệ các nước rạn nứt.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 24-26/8. Quan chức Mỹ hôm qua kết tội Pháp - nước chủ nhà hội nghị G7 muốn "chia rẽ G7" khi tập trung vào "các vấn đề nhỏ nhặt" hơn là những mối quan tâm lớn trên toàn cầu. Pháp phủ nhận điều này, cho biết phiên đầu tiên của hôm nay bàn thảo vấn đề kinh tế, thương mại và an ninh. Đây là những lĩnh vực từng được các nước đồng thuận dễ dàng, nhưng hiện tại lại là nguồn cơn bất đồng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Pháp chỉ vài giờ sau tuyên bố nâng thuế nhập khẩu với Trung Quốc. "Tôi rất lo ngại về chiều hướng của diễn biến này, về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và thuế nhập khẩu", Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua cho biết, "Những người ủng hộ thuế nhập khẩu sẽ bị đổ lỗi là gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, dù đúng hay sai".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Mỹ cũng dọa áp thuế nhập khẩu Pháp ở mức "chưa từng có", trừ phi nước này bỏ thuế kỹ thuật số với các hãng công nghệ Mỹ. Đáp lại, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo EU sẽ đáp trả "tương xứng" nếu Trump thực hiện điều này.
Năm ngoái, Trump rời G7 tại Canada sớm và rút Mỹ khỏi tuyên bố chung. Năm nay, Pháp giải quyết bằng cách bỏ qua truyền thống từ năm 1975 này.
Ngoài quan hệ với Mỹ, nội bộ châu Âu cũng đang chia rẽ sâu sắc. Thủ tướng Anh Johnson đang nỗ lực thuyết phục EU tái đàm phán việc Anh rời liên minh châu Âu. Ông và Tusk sẽ có cuộc gặp bên lề hôm nay. Trước đó, cả hai bất đồng về vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm nếu Anh rời EU ngày 31/10 mà không có thỏa thuận nào.
Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron hôm thứ sáu cũng bất ngờ dọa chặn một thỏa thuận thương mại của EU với nhóm nước Nam Mỹ, do cách giải quyết của Brazil với vấn đề cháy rừng Amazon. Anh và Đức cũng bày tỏ lo ngại về nạn cháy rừng, nhưng không đồng ý với cách phản ứng của Pháp. Họ cho rằng hủy thỏa thuận thương mại Mercosur không thể giúp bảo vệ rừng Amazon.
HÀ THU (Theo Reuters)