» Tin tức » Bộ Công Thương: Kiểm soát và xử lý nghiêm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc rao bán trên mạng

Bộ Công Thương: Kiểm soát và xử lý nghiêm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc rao bán trên mạng

Ngày đăng: 19-11-2020

TT.CHG - Theo Bộ Công Thương, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe người dân như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các mặt hàng quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử - điện máy, hàng tiêu dùng, phân bón....

Lực lượng chức năng của Bộ Công Thương đã kiểm tra và xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: TH

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp (tuyên truyền, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường phối hợp kiểm tra kiểm soát thị trường,…), đặc biệt là tập trung nguồn lực triển khai các chuyên đề nổi cộm, gây bức xúc cho xã hội. Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Những nỗ lực cố gắng của lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã mang lại hiệu ứng tích cực trên thị trường, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã có rất nhiều cố gắng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với diễn biến phức tạp trên thị trường. Để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Bộ Công Thương cùng  tiếp tục duy trì thường xuyên việc kiểm tra, đôn đốc lực lượng chức năng chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ; chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...; Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.

 Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi; khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với xã hội. Phát động toàn dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên, liên tục, tăng cường thông tin tuyên tuyền kết quả của các lực lượng chức năng kết hợp phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân…

 Tăng cường hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

T.Lan (theo BCĐ 389)