» Tin tức » Bộ Công Thương gỡ bỏ 5.119 gian hàng kinh doanh thương mại điện tử với 16.183 sản phẩm vi phạm bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ

Bộ Công Thương gỡ bỏ 5.119 gian hàng kinh doanh thương mại điện tử với 16.183 sản phẩm vi phạm bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày đăng: 08-11-2023

TT.CHG - Theo Bộ Công Thương trong những tháng đầu năm 2023, thông qua công tác rà soát các website, Bộ đã yêu cầu các thương nhân, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khoá 5.119 gian hàng với 16.183 sản phẩm vi phạm; chặn 3 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Về công tác thanh tra thương mại điện tử: Với mục tiêu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật và phối hợp xử lý vi phạm về thương mại điện tử. Trong năm 2020, Bộ Công Thương tiến hành thanh tra 14 cuộc, với tổng số tiền phạt trên 300 triệu đồng; thanh tra 09 cuộc năm 2022, với số tiền phạt gần 200 triệu đồng. Tháng 5/2023, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra Công ty Tik Tok Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương triển khai, vận hành hiệu quả Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử- đây là kênh thông tin trực tuyến hiệu quả trong việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của người dân; đồng thời là kênh đăng tải thông tin, cảnh báo về hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể hoạt động thương mại điện tử.

Từ năm 2019, Bộ Công Thương khai trương Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hệ thống là 1 trong 6 nhóm giải pháp để tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Tính trung bình mỗi năm hệ thống tiếp nhận và xử lý khoảng 300 phản ánh, khiếu nại của người dân. Trong đó, các khiếu nại tập trung các hành vi vi phạm như: Chưa thực hiện thông báo, đăng ký; giả mạo thông tin; kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

T.Hằng (theo BCĐ 389)