Ngày đăng: 28-07-2022
TT.CHG - Bộ Công an đang xây dựng trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Công an, khi phát hiện có dấu hiệu hoạt động phạm tội; dấu hiệu vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; có tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, cơ quan, đơn vị Công an nhân dân được giao nhiệm vụ, thẩm quyền phải tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm, hành vi phạm tội, hành vi vi phạm hành chính và chủ động, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.
Cụ thể, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường khi có một trong các căn cứ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, gồm: Khi phát hiện có dấu hiệu hoạt động phạm tội hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về môi trường; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường. Vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về môi trường gồm một trong các hành vi vi phạm pháp luật về gây ô nhiễm môi trường; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại; vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. ... Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên hoặc về an toàn thực phẩm khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 105/2015/NĐ-CP, gồm: Khi phát hiện có dấu hiệu hoạt động phạm tội hoặc dấu hiệu vi phạm hành chính về tài nguyên (hoặc về an toàn thực phẩm); khi có tố giác, tin báo về tội phạm hoặc vi phạm hành chính về tài nguyên (hoặc về an toàn thực phẩm); khi có yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về tài nguyên (hoặc về an toàn thực phẩm)...
Người thực hiện quyết định kiểm tra phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và nội dung quyết định kiểm tra; chấp hành đúng quy định về chế độ thông tin, báo cáo trong Công an nhân dân, không được cung cấp cho người không có trách nhiệm các thông tin, tài liệu liên quan đến các nội dung, hoạt động kiểm tra; chủ động đánh giá tình hình, kịp thời báo cáo đề xuất đối với những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện và chấp hành đúng quyết định, chỉ đạo của cơ quan, người có thẩm quyền; không lợi dụng việc kiểm tra để sách nhiễu, vụ lợi, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; giải thích để đối tượng kiểm tra, người sở hữu, người quản lý đối tượng kiểm tra hiểu đúng và chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến việc kiểm tra khi có yêu cầu; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, góp phần nâng cao tính chủ động, hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và có căn cứ theo quy định của pháp luật, xét thấy cần bổ sung, mở rộng đối tượng, nội dung, phạm vi kiểm tra, phải báo cáo bằng văn bản với người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra để xem xét, quyết định.
Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, chủ động phát hiện, kịp thời đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng các biện pháp về quản lý nhà nước, khắc phục những sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh hoặc để các đối tượng lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến việc áp dụng quy định về kiểm tra có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành quyết định kiểm tra của cấp có thẩm quyền và các quy định của pháp luật có liên quan; có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật đối với các quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.