» Tin tức » Bình Dương: Thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại tinh vi gây khó lực lượng chức năng

Bình Dương: Thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại tinh vi gây khó lực lượng chức năng

Ngày đăng: 12-03-2018

Ngày đăng: 12/03/2018 10:06

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Bình Dương vẫn còn diễn ra phức tạp, nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, kiểm tra bắt giữ và xử lý.

Hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị các lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện và bắt giữ.

Theo dẫn chứng của các ngành chức năng tỉnh Bình Dương, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ: các mặt hàng nhập lậu, hàng cấm kinh doanh được phát hiện trong tháng gồm thuốc lá, quần áo, đồ chơi trẻ em, bài lá, pháo nổ các loại,...

 Gian lận thương mại: các hành vi vi phạm chủ yếu như gian lận thuế, sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ… hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gian lận về thủ tục hải quan, vi phạm về nhãn hàng hóa, niêm yết giá, chiết nạp gas trái phép, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT: mặt hàng phát hiện vi phạm sở hữu trí tuệ trong tháng là bột giặt và bột ngọt.

Ngay từ đầu năm 2018, các sở, ngành, huyện, thị, thành phố thường xuyên chỉ đạo các lực lượng có chức năng kiểm tra kiểm soát tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc địa bàn hoặc lĩnh vực quản lý. Tập trung là chống buôn lậu, hàng cấm đối với các mặt hàng thuốc lá ngoại, điện thoại di động, quần áo may sẵn… chống các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, thuế, hải quan… chống các hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chống các hoạt động sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại công văn số 01/BCĐ389-VPTT ngày 10/01/2018 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh gas. Đã kiểm tra, phát hiện 01 vụ vi phạm về chiết nạp gas trái phép. Tạm giữ: 01 (một) chiếc xe tải; 01 (một) chiếc xe bồn chứa LPG; 63 LPG chai loại 12kg các loại; 03 cân đồng hồ Nhơn Hòa loại 60kg, 100kg; 01 thiết bị sang chiết LPG từ xe bồn vào chai LPG có 03 cổng nạp; 95 niêm màng co hiệu Pacific Petro để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Phối hợp với các Đài truyền thanh huyện, thị và thành phố Thủ Dầu Một thực hiện 27 lượt phát sóng tuyên truyền về những hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; Triển khai cho 146 tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng ngoại nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm khác và phát 59 tờ rơi tuyên truyền pháp luật về 10 vấn đề hộ kinh doanh cần lưu ý; Triển khai dán 992 tờ áp phích tuyên truyền về thuốc lá.

Hàng tháng cơ quan Hải quan cung cấp 04 bản tin nghiệp vụ thông tin về phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại cho các đơn vị thuộc và trực thuộc làm cơ sở cho việc xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro, đưa đối tượng vào diện sưu tra, tiến hành kiểm tra sau thông quan, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp.

Dự báo, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại vẫn tiếp tục hoạt động với nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện hơn cho nên các lực lượng chức năng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao.

Các lực lượng tiếp tục tăng cường công tác trinh sát, mua tin, nắm chắc địa bàn và phát động phong trào, tuyên truyền tổ chức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các Sở, ngành. Tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với một số mặt hàng trọng điểm như: dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, ...

 Tăng cường kiểm tra việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng lậu, sản xuất mua bán hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch, nhiễm vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phụ gia cấm sử dụng hoặc vượt mức cho phép, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm,

Tăng cường trinh sát, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh hoạt động buôn lậu từ lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hoá; Tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc xử lý hành vi trốn thuế GTGT và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng theo ý kiến chỉ đạo Văn phòng Chính Phủ tại văn bản số 10092/VPCP-V.I ngày 22/9/2017; tăng cường công tác quản lý, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại văn bản số 10092/VPCP-V.I ngày 22/9/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

 

Mai Ka