» Tin tức » Bắt giữ hơn 39 triệu bao thuốc lá nhập lậu bị kể từ khi thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg

Bắt giữ hơn 39 triệu bao thuốc lá nhập lậu bị kể từ khi thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg

Ngày đăng: 18-11-2019

TT.CHG - Kể từ khi có Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng chức năng tại các địa phương đã tiến hành đồng bộ các mặt công tác và bước đầu đã kiềm chế, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cả nước góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn biên giới, nâng cao nhận thức nhân dân, tạo môi trường bình đẳng trong sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

 

Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, từ ngày 1/10/2014 đến hết tháng 10/2019, các lực lượng chức năng trong cả nước đã tiến hành xác lập hàng trăm chuyên án, hàng ngàn kế hoạch nghiệp vụ, hàng chục ngàn cuộc kiểm tra nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh quyết liệt với các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn cả nước.

Kết quả đã phát hiện và bắt giữ 52.375 vụ, tịch thu hơn 39 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại, khởi tố hình sự hơn 917 vụ với 1.150 đối tượng.

Theo ChánhVăn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia- Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, kể từ khi có Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các mặt công tác và bước đầu đã kiềm chế, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cả nước góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn biên giới, nâng cao nhận thức nhân dân, tạo môi trường bình đẳng trong sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, kết quả đó chưa tương xứng với tình hình thực tế hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cả nước. Hiện nay, hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, TPHCM, Quảng Trị... Các đối tượng vẫn lén lút, tìm đủ cách để vận chuyển và đối phó với các lực lượng chống buôn lậu. Thuốc lá lậu được các đối tượng tập kết sát biên giới để chờ thời cơ thuận lợi sau đó dùng vỏ lãi, xuồng máy hoặc thuê người đai vác, vận chuyển qua biên giới sau đó đưa lên các xe gắn máy, ôtô tải, ôtô khách… đang đậu chờ sẵn để đưa vào nội địa tiêu thụ.

Theo phân tích của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, trong quá trình hoạt động, thuốc lá được ngụy trang, cất giấu rất tinh vi, các đường dây vận chuyển được tổ chức và hoạt động rất chuyên nghiệp. Các đối tượng luôn cử người theo dõi lực lượng chống buôn lậu 24/24 giờ để kịp thời thông báo cho nhau né tránh. Địa điểm giao hàng thường là tại những khu vực vắng người, có nhiều đường nhánh để tẩu thoát hoặc để hàng ở nơi vắng vẻ, nếu có đưa vào các điểm tàng trữ thì các đối tượng chia nhỏ hàng và cất giấu ở nhiều nơi tránh bị xử lý hình sự.

Thuốc lá lậu thường được các đối tượng vận chuyển vào ban đêm và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động để tránh né lực lượng chức năng. Đồng thời, các đầu nậu còn gắn trách nhiệm bồi thường cho các đối tượng tham gia (trong đó phần lớn đối tượng này là dân nghèo, một số có tiền án, nghiện ma túy,...) nên tình trạng chống đối khi bị kiểm tra bắt giữ vẫn còn xảy ra.

Trong nội địa, tại các thành phố lớn, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuốc lá nhập lậu được bày bán công khai tại các đại lý, cửa hàng, nhà hàng, quán nước, các điểm bán thuốc lá ven các đường phố. Phương thức hoạt động chủ yếu là các đối tượng cất giấu thuốc lá nhập lậu tại địa điểm khác hoặc trong nhà ở và được vận chuyển dần đến điểm kinh doanh với số lượng nhỏ.

Theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế- Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tình hình buôn lậu thuốc lá đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt đang là cao điểm cuối năm, Văn phòng  Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đang tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả trước, trong, sau tết 2020. Đặc biệt, Văn phòng Thường trực 389 đang phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu tại khu vực phía Nam, cùng với chủ trương xác định trách nhiệm của lực lượng thực thi và các đơn vị quản lý địa bàn, đề nghị các địa phương, đơn vị nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả.

Kết quả thực hiện Quyết định số 2371/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Quyết định số 2371/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26 tháng 12 năm 2014 về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu; Thông tư hướng dẫn số 19/2015/TT-BTC ngày 03/02/2015 và Thông tư 306/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính; Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, Ngành và địa phương phối hợp với Hiệp hội thuốc lá Việt Nam tổ chức tiêu hủy trên 30 triệu bao. Tổng mức hỗ trợ  kinh phí tiêu hủy và thù lao cho các lực lượng chức năng tham gia bắt giữ trên 116,4 tỷ đồng.

THU TRANG (Theo BCĐ 389)