Ngày đăng: 15-03-2017
Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Vai trò của các sản phẩm trí tuệ trong cuộc sống không ngừng gia tăng, cùng với đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được nâng cao. Các chủ thể đã tích cực sử dụng các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong đó có việc đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dưới đây là hướng dẫn thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định 100/CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan; Nghị định 85/CP ngày 20/9/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan; Quyết định số 88/2006/QĐ-BVHTT ngày 17 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc ban hành các mẫu tờ khai, giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị quyết 69/NQ-CP ngày 27/12/2010 về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
1. Người nộp và cách thức nộp hồ sơ:
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cư trú hoặc có trụ sở. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
Cá nhân, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật Sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả hoặc tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cư trú hoặc có trụ sở.
2. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả; Người biểu diễn, Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và Tổ chức phát sóng đăng ký quyền liên quan sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
(Xin đọc kỹ hướng dẫn ghi thông tin sau mỗi tờ khai)
b) 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.
01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả, 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực. Các tài liệu gửi kèm hồ sơ nếu là bản sao phải có công chứng, chứng thực.
3. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.
4. Các trường hợp cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận
4.1 Trường hợp cấp lại, đổi Giấy chứng nhận
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có nhu cầu xin cấp lại hoặc đổi Giấy chứng nhận thì nộp đơn nêu rõ lý do và nộp 01 hồ sơ theo quy định tại Điều 50 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Cục Bản quyền tác giả cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất; đổi Giấy chứng nhận trong trường hợp bị rách nát, hư hỏng hoặc thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;
4.2 Trường hợp hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận
Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ thì Cục Bản quyền tác giả hủy bỏ hiệu lực các Giấy chứng nhận đã cấp.
Tổ chức, cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận trái với quy định của Luật này thì có quyền yêu cầu Cục Bản quyền tác giả hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận.
5. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận
Mức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận được quy định cụ thể tại Thông tư 29/2009/TT-BTC ngày 10/2/2009 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.