» Tin tức chống hàng giả » Bàn công tác triển khai phòng, chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng

Bàn công tác triển khai phòng, chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng

Ngày đăng: 26-11-2019

TT.CHG - Để triển khai công tác phối hợp phòng chống sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ là thực phẩm chức năng, sáng ngày 25/11/2019, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã họp bàn với các bộ, ngành chức năng triển khai công tác này.

Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia- Trần Đức Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.Trang.

Phát biểu tại buổi họp bàn, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia- Trần Đức Đông cho biết, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền và Kế hoạch 11/KH-BCĐ 389 ngày 8/8/2019 của Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Thường trực 389 quốc gia xây dựng kế hoạch Phối hợp phòng chống sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là thực phẩm chức năng, giữa Văn phòng Thường trực và Ban Chỉ đạo 389 các bộ: Y tế, Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ.

Việc lựa chọn mặt hàng thực phẩm chức năng là mặt hàng trọng điểm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sức khỏe cộng đồng, trong khi đó tình hình tiêu thụ và buôn bán mặt hàng này phức tạp, chế tài quản lý còn chưa chặt chẽ.

Vì vậy mà để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm  soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh nhóm mặt hàng thực phẩm chức năng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Kiểm soát không để tình trạng mua bán mặt hàng vi phạm này tràn lan trên thị trường nội địa và không gian mạng thì công tác phối hợp của các lực lượng chức năng là rất quan trọng và thiết yếu.

Theo đó, các đơn vị, lực lượng chức năng tham gia thực hiện kế hoạch tuân thủ quy định của pháp luật, thực hiện theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và sự phân công cụ thể trong kế hoạch. Đảm bảo phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ và thực hiện có hiệu quả kế hoạch này. Phải thống nhất được cơ chế triển khai thực hiện thì công tác quản lý, phòng chống sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là thực phẩm chức năng mới hiệu quả- ông Trần Đức Đông nhấn mạnh.

Tại buổi họp, ý kiến đại diện của các bộ, ngành đều tập trung vào phân loại đối tượng quản lý, tổ chức thực hiện thanh tra và kiểm tra, công tác phối hợp giữa các lực lượng, thanh tra liên ngành. Trong đó, các đại diện đều nhấn mạnh, việc quản lý mặt hàng thực phẩm chức năng cần phải có sự phối hợp kiểm tra liên ngành giữa các lực lượng như thanh tra Bộ Y tế với cơ quan Hải quan, lực lượng quản lý thị trường.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung vào việc tổ chức những đoàn kiểm tra theo chuyên đề, lựa chọn những DN có dấu hiệu nghi vấn rõ ràng. Với vai trò điều phối, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ  phân công địa bàn kiểm tra.

Tiếp thu các ý kiến, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia- Trần Đức Đông cho biết, với chức năng nhiệm đã giao cho các bộ chuyên ngành cần tuân thủ quy định của pháp luật, thực hiện theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và sự phân công cụ thể trong kế hoạch. Tuy nhiên, việc phối hợp kiểm tra chuyên ngành là cần thiết, theo đó, từ nay đến tết Nguyên Đán,  Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ điều phối tổ chức 1 đến 2 cuộc kiểm tra chuyên ngành với mặt hàng này.

Tại Kế hoạch phối hợp phòng chống sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là thực phẩm chức năng do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng đã quy định rõ nội dung và biện pháp thực hiện:

Rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, qui trình thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với vi phạm đối với nhóm mặt hàng thực phẩm chức năng để tham mưu ban hành văn bản mới hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

Rà soát, phân loại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối, tiêu thụ thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ để có biện pháp xử lý.

Trao đổi thông tin tình hình, kết quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, thông tin đường dây nóng thuộc lĩnh vực xử lý của các cơ quan chức năng.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch năm; thanh tra, kiểm tra đột xuất các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm theo chức năng nhiệm vụ; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành khi cần thiết.

Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sơ kết, tổng kết kế hoạch.

Phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các bộ ngành, địa phương và các đơn vị chức năng để xử lý các vụ việc liên quan.

Tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các cơ quan báo đài truyền thông đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phòng chống vi phạm đối với mặt hàng này, nêu gương người tốt, việc tốt, khuyến cáo người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả, tẩy chay và tố cáo hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ.

THU TRANG (Theo BCĐ 389)