» Tin tức » Ban Chỉ đạo 389 Thái Bình: Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm 2021

Ban Chỉ đạo 389 Thái Bình: Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm 2021

Ngày đăng: 29-11-2021

TT.CHG - Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, xong theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tháng 11/2021 có xu hướng tăng so với cùng kỳ tháng trước. Vì vậy, địa phương này đưa ra các giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm 2021.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thái Bình, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong quý 4/2021 diễn biến rất phức tạp. Trung tâm kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, kể từ ngày 10/11đến ngày 19/11/2021 toàn tỉnh đã ghi nhận 625 ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng và khu cách ly. Các ca bệnh ghi nhận tại các huyện, thành phố có liên quan đến doanh nghiệp, trường học, đặc biệt là các chùm ca bệnh tại huyện Vũ Thư có nguồn gốc phức tạp trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm tại cộng đồng với số lượng người nhiễm nhiều, số lượng tiếp xúc gần rất lớn.

Cùng với đó, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại cũng diễn biến phức tạp. Việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, giả nhãn hiệu trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển mạnh cả về quy mô, thủ đoạn và mức độ vi phạm.

Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, xong theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tháng 11/2021 có xu hướng tăng so với cùng kỳ tháng trước. Cụ thể, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 173 vụ/199 đối tượng vi phạm. Trong đó số vụ vi phạm hành chính là 164 vụ/181 đối tượng. Số vụ xử lý hình sự: 12vụ/18 đối tượng. Các hành vi vi phạm chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh doanh hàng giả, vi phạm về lĩnh vực giá, nhãn hàng hóa...

Dự báo, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ với mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19”. Theo đó, nhiều địa bàn trong tỉnh công bố nới lỏng dần giãn cách xã hội, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế, từng bước chuyển dần cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Theo đó, các hoạt động thương mại, dịch vụ được nối lại phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhận định, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại trong những tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh sẽ gia tăng trở lại. Việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, giả nhãn hiệu trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển mạnh với diễn biến, quy mô, thủ đoạn ngày càng phức tạp.

Để chủ động trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2021 nhất là dịp tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình (Cơ quan Thường trực ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tham mưu UBND tỉnh đưa ra các giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác này, trong đó tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể sau:

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thành viên tập trung lực lượng vừa tham gia công tác phòng chống dịch Covid  19, vừa thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm soát tốt thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa; tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra các tụ điểm, đường dây buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với các hình thức phù hợp, hiệu quả hơn.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng (Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Hải quan) căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý; Tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu để đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện kịp thời các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả và gian lận thương mại với quy mô lớn.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác chia sẻ thông tin và phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch vè công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mị và hàng giả đảm bảo sự thống nhất trong kiểm tra, xử lý. Trong đó phải tuân thủ quy trình nghiệp vụ, trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, bỏ sót gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Đoàn Ngọc Toàn (theo BCĐ 389)