» Tin tức » Áp dụng quản lý hiện đại trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Áp dụng quản lý hiện đại trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Ngày đăng: 05-05-2021

TT.CHG Tổng cục Hải quan cho biết, tính từ ngày 16-3 đến 15-4, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.117 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 105 tỷ đồng, số thu ngân sách đạt 10,18 tỷ đồng.

Cơ quan hải quan đã khởi tố 2 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 5 vụ. Lũy kế đến ngày 22-4 số thu ngân sách nhà nước là hơn 63 tỷ đồng; khởi tố 7 vụ; chuyển cơ quan khác khởi tố 28 vụ.

Cơ quan Hải quan đã và đang áp dụng biện pháp quản lý hiện đại trong đấu trang chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh; T.Trang.

Phát hiện nhiều vụ việc vi phạm

Tổng cục Hải quan vừa thông tin về những vấn đề đáng chú về công tác phòng, chống buôn lậu tháng 4/2021. Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan nhận định: hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn diễn ra rất phức tạp trên các tuyến biên giới tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh… thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi và số lượng ma túy bị bắt giữ lớn.

Để chủ động kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các hành vi vận chuyển trái phép ma túy, động thực vật hoang dã, các đường dây tội phạm xuyên quốc gia thể hiện vai trò chủ động của Hải quan Việt Nam cũng như thực hiện thành công Chiến dịch Con rồng Mê Kong 3 (OMD3), Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục hải quan địa phương triển khai Chiến dịch OMD3. Đồng thời cảnh báo các đơn vị về tình trạng xuất, nhập khẩu thuốc thú y chứa ma túy, tiền chất không có giấy phép của cơ quan chuyên ngành.

Về vi phạm liên quan đến hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp cả về hình thức, tính chất, mức độ vi phạm và phương thức thủ đoạn, Tổng cục Hải quan đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các cục hải quan địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời, xử lý.

Một số vụ án ma túy điển hình được ngành Hải quan đấu tranh, bắt giữ trong tháng 4 như: ngày 26/4, Cục Hải quan TP HCM phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Công an TP HCM kiểm tra và thu giữ gần 36 kg ma túy các loại, được ngụy trang tinh vi trong các lô hàng quà biếu nhập khẩu. Các bưu kiện có chứa ma túy nêu trên được nhập khẩu từ Mỹ, Canada và Đức theo loại hình quà biếu phi mậu dịch cá nhân.

36 kg ma túy các loại gồm: ma túy tổng hợp dạng viên nén MDMA (thuốc lắc), cần sa và ketamine được ngụy trang tinh vi trong các hộp kem dưỡng ẩm, các lon lạc rang, trà, cà phê… bằng thiếc được quấn giấy bạc bên trong, hút chân không và dập kín nắp để đối phó với máy soi và chó nghiệp vụ. Vụ việc đang được Cục Hải quan TP HCM và Công an TP HCM tiếp tục phối hợp điều tra.

Trước đó, ngày 13/4, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP HCM) phối hợp với Đội 6 (Cục Điều tra chống buôn lậu) kiểm tra 1 lô hàng quà biếu vận chuyển từ Mỹ trung chuyển qua Đài Loan, phát hiện có chứa 3.680 gram thảo mộc khô (nghi là cần sa).

Ngày 10/4, Phòng phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) phối hợp với Đội Kiểm soát phòng chống ma túy (Cục Hải quan Hà Tĩnh) phát hiện 2 đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tang vật tịch thu gồm: 1 kg Ketamin và 10 kg ma túy đá.

Cũng liên quan đến ma túy, ngày 8/4, Chi cục Hải quan KCN Hòa Khánh - Liên Chiểu (Cục Hải quan Đà Nẵng ) kiểm tra 2 bưu phẩm được gửi từ Anh về Việt Nam có chứa 1.448 gram nhựa cây, nghi là nhựa cần sa...

Ngoài ma túy, tháng 4, một số vụ việc nổi cộm được lực lượng chống buôn lậu phát hiện, bắt giữ như: ngày 15/4, Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Nam (Hải đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu) phát hiện 2 vụ/2 đối tượng có hành vi vân chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Hàng hóa vi phạm gồm: 150.000 lít dầu DO trên tàu tàu TG-92233- TS và 45.000 lít dầu DO tàu gỗ TG-91133- TS.

Trong 2 ngày 14,15/4, Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Quảng Ninh) phát hiện 2 vụ/1 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa. Hàng hóa vi phạm gồm: 880 Điếu thuốc lá điện tử, 224 sảm phẩm kem dưỡng tóc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 74,88 triệu.

Ngày 9/4, Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC02, Công an Lạng Sơn), phát hiện một số đối tượng đang vác hàng trái phép qua biên giới, phát hiện lực lượng chức năng, đối tượng vứt hàng bỏ trốn. Hàng hóa vi phạm gồm: 163 kg gỗ tự nhiên; 18 sảm phẩm mỹ nghệ làm từ gỗ các loại...

Áp dụng biện pháp quản lý hiện đại trong đấu trang chống buôn lậu

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN và cho cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã đề ra chương trình quản lý tuân thủ, DN tuân thủ tự nguyện, giúp DN thuận lợi hơn trong việc XNK. Theo đó, kết quả đánh giá DN tuân thủ có ý nghĩa quyết định đối với việc cơ quan Hải quan tập trung áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của DN. Cơ quan Hải quan sẽ giảm tỷ lệ kiểm tra trực tiếp hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa với DN tự nguyện tuân thủ… cùng nhiều ưu tiên, ưu đãi khác. Tuy nhiên, đối với DN không tuân thủ sẽ bị cơ quan Hải quan tăng cường kiểm tra trực tiếp theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, việc hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh, ngăn chặn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng góp phần quan trọng vào hiệu quả đấu tranh thời gian qua. Cơ quan Hải quan đã chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với Hải quan các nước, cơ quan điều tra các nước để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng. Hợp tác với Cơ quan phòng chống gian lận châu Âu (OLAF) để phối hợp điều tra, xác minh các hành vi gian lận liên quan đến xuất xứ đối với một số mặt hàng như tấm pin năng lượng mặt trời, thép phủ sơn, tôm sú và tôm thẻ chân trắng, xe đạp, xe đạp điện, tế bào quang điện… Riêng đối với Hoa Kỳ, Hải quan Việt Nam đã đề nghị Hải quan Hoa Kỳ xác minh, điều tra 2 vụ việc liên quan đến mặt hàng gỗ dán và đã tiến hành điều tra, xác minh, cung cấp thông tin liên quan đến 3 vụ việc nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp do Hải quan Hoa Kỳ yêu cầu.

Với một loạt biện pháp đấu tranh kịp thời, công tác đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa đã có sự chuyển biến rõ nét; nhiều thủ đoạn, hành vi gian lận đã bị phơi bày; các vụ việc phát hiện ngày càng nhiều và đã được xử lý nghiêm minh. Đến tháng 12/2020, toàn ngành Hải quan đã xử lý 138 vụ việc liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu và 52 vụ việc liên quan đến gian lận, giả mạo đối với hàng hóa xuất khẩu, toàn ngành Hải quan đã thu tổng trị giá số tiền thu lợi bất hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật là 103 tỷ đồng.

Hiện nay, giai đoạn 3 của công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa đang được các đơn vị trong toàn Ngành triển khai, bám sát Kế hoạch đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp trong năm 2021 do Cục Giám sát quản lý về hải quan tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành. Trong đó, với việc rà soát, phân tích thông tin xây dựng đối tượng, nhóm mặt hàng xuất khẩu trọng điểm góp phần tạo tiền đề để mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, góp phần đấu tranh chống hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thu Trang (theo BCĐ 389)