» Tin tức » 600 loại sữa, kẹo Kera và chiêu trò hợp pháp hóa hàng giả

600 loại sữa, kẹo Kera và chiêu trò hợp pháp hóa hàng giả

Ngày đăng: 17-04-2025

TT.CHG - Vụ kẹo Kera, 600 loại sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá phơi bày hệ lụy của cơ chế "tự công bố sản phẩm” theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP. 

Kẽ hở pháp lý tiếp tay cho gian thương: Cảnh báo từ cơ chế "tự công bố sản phẩm"

Nếu cần tìm một ví dụ điển hình về việc pháp luật bị lợi dụng để hợp thức hóa hành vi gian dối trong kinh doanh, thì cơ chế "tự công bố sản phẩm" theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP chính là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất.

Ra đời với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, Nghị định 15 cho phép các doanh nghiệp tự công bố chất lượng đối với nhóm thực phẩm không thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Theo quy định tại Điều 5 và 6 của Nghị định, các sản phẩm như thực phẩm bổ sung, thực phẩm chế biến thông thường, thực phẩm đóng gói sẵn… chỉ cần nộp hồ sơ lên Cổng thông tin điện tử là đã có thể lưu hành trên thị trường.

Tuy nhiên, chính sự đơn giản trong quy trình này lại vô tình tạo ra một khoảng trống quản lý lớn. Cơ chế hậu kiểm hiện nay chủ yếu được triển khai sau khi đã có phản ánh từ người tiêu dùng hoặc khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Một mô hình quản lý mang tính "đuổi theo vi phạm", bị động và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực tế, nhiều sản phẩm không đạt chất lượng – như kẹo rau củ Kera hay hàng trăm loại sữa bột giả vừa bị phanh phui – đã lợi dụng chính sách "tự công bố" để hợp thức hóa nguồn gốc, tạo vỏ bọc hợp pháp, qua đó tràn lan trên thị trường với sự tiếp tay vô hình của những quy định thiếu chặt chẽ.

Câu hỏi đặt ra: khi hành lang pháp lý trở thành “tấm vé thông hành” cho hàng giả, hàng nhái hoạt động công khai, thì ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn sự minh bạch cho thị trường?

Thảm họa từ những "tờ giấy hợp lệ"

Cuối năm 2024, đầu năm 2025, kẹo rau Kera - sản phẩm được quảng bá "một viên kẹo bằng một đĩa rau" bất ngờ trở thành hiện tượng mạng xã hội. Chỉ sau vài tuần, hàng trăm nghìn hộp được tiêu thụ nhờ chiến dịch quảng cáo rầm rộ từ các KOLs như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên…

Quang Linh Vlogs, Thuỳ Tiên, Hằng Du Mục trong một quảng cáo thổi phồng công dụng của kẹo rau.

Kết quả kiểm nghiệm sau khi vụ việc bị phanh phui cho thấy, mỗi viên kẹo Kera – vốn được quảng cáo là “bổ sung chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa” – chỉ chứa 0,016g chất xơ, thấp hơn hàng chục lần so với ngưỡng tối thiểu để được gọi là sản phẩm có tác dụng bổ sung. Thông tin ghi trên nhãn mác sai lệch, còn nội dung quảng cáo hoàn toàn không đúng sự thật.

Ngày 24/3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt – đơn vị sản xuất và phân phối sản phẩm – bị xử phạt hành chính 125 triệu đồng với các lỗi vi phạm về ghi nhãn hàng hóa và thông tin trong hồ sơ tự công bố.

Chỉ hơn một tuần sau, ngày 3/4, Bộ Công an chính thức khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam 5 cá nhân liên quan – trong đó có các nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội như Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục – về các tội danh “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “Lừa dối khách hàng”.

Nhưng nếu Kera là một “viên kẹo đắng” của người tiêu dùng, thì vụ gần 600 loại sữa bột giả bị phát hiện vào giữa tháng 4/2025 thực sự là một cú sốc lớn đánh thẳng vào niềm tin xã hội, nhắm đến những đối tượng dễ tổn thương nhất: trẻ em, người già và phụ nữ sau sinh.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Bộ Công an đã triệt phá một đường dây sản xuất sữa giả quy mô toàn quốc, do Công ty Rance Pharma và Hacofood Group điều hành. Các đối tượng đã sản xuất và tung ra thị trường gần 600 loại sữa bột giả, với bao bì, giấy tờ hợp lệ, mã vạch và mã QR đầy đủ, khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt thật – giả.

Các sản phẩm được quảng cáo là “dinh dưỡng đặc chế cho người già yếu”, “tăng cân cho trẻ em biếng ăn” hay “phục hồi sức khỏe sau sinh”, nhưng thực chất chỉ là hỗn hợp bột không rõ nguồn gốc.

Công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất sữa bột giả quy mô lớn vừa bị triệt phá. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Câu hỏi đặt ra: Tại sao một sản phẩm như vậy lại có thể dễ dàng tràn lan thị trường mà không bị kiểm tra, giám sát từ đầu?

Câu trả lời nằm ở chính cơ chế pháp lý cho phép doanh nghiệp... tự công bố chất lượng sản phẩm, nằm ở chính cái "bùa hộ mệnh" có tên giấy tự công bố hợp lệ.

Bởi theo quy định hiện hành, chỉ cần có bản tự công bố, kèm nhãn mác, hồ sơ lưu hành nội bộ là đủ điều kiện lưu thông. Không cần kiểm nghiệm, không cần xác minh nguồn nguyên liệu, không cần đánh giá chất lượng.

Đây chính là điểm nghẽn pháp lý đang bị lợi dụng một cách có hệ thống, biến một cơ chế cải cách thành chiếc áo choàng hợp pháp hóa rủi ro

Pháp luật không thể là tấm bình phong cho thực phẩm bẩn

Trong bối cảnh thực phẩm giả và hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, ẩn mình dưới lớp vỏ quảng cáo bắt mắt và giấy tờ “đủ điều kiện lưu hành”, điều đáng lo ngại nhất không phải chỉ là sự gian dối của doanh nghiệp, mà là kẽ hở pháp lý cho phép sự gian dối đó tồn tại một cách hợp pháp.

Một chính sách dù đúng đắn đến đâu cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu đi một hệ sinh thái giám sát chặt chẽ, cơ chế hậu kiểm hiệu quả, và sự minh bạch thông tin tuyệt đối. Nếu việc “tự công bố chất lượng” chỉ là thao tác nộp hồ sơ, click chuột và chờ duyệt, thì đó không còn là cải cách thủ tục – mà là mở toang cánh cửa hậu cho thực phẩm bẩn tràn vào thị trường, ngang nhiên có mặt trong từng viên kẹo, hộp sữa, bữa ăn mà người dân gửi gắm niềm tin.

“Tự công bố” – nếu không đi kèm hậu kiểm thực chất, kiểm tra định kỳ và công bố công khai kết quả – chẳng khác nào tấm vé thông hành miễn phí cho gian thương, biến niềm tin của người tiêu dùng thành món hàng để mặc cả.

Chúng ta không thể tiếp tục đánh đổi an toàn cộng đồng lấy sự tiện lợi hành chính. Không thể dùng hai chữ “cải cách” như một tấm bình phong cho sự buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước. Và càng không thể để những chính sách đáng lẽ sinh ra để tạo thuận lợi lại trở thành “vỏ bọc hợp pháp” cho hành vi trục lợi có hệ thống.

Pháp luật không phải là con dấu cao su để doanh nghiệp “đóng dấu” vào hồ sơ rồi muốn làm gì thì làm. Pháp luật phải là “vòng kim cô” thực sự – siết chặt trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn niềm tin xã hội.

Nếu không siết lại từ gốc, “tự công bố” sẽ mãi chỉ là “tự cho phép lừa dối” dưới sự tiếp tay của cơ chế.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phép thực hiện tự công bố đối với các sản phẩm sau:

1. Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn.

2. Phụ gia thực phẩm.

3. Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.

4. Dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

5. Vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Hoàng Nguyên Thảo

Theo Congthuong.vn