» Tin tức » 18 Khung Tiêu Chuẩn Chất Lượng Lâm Sàng Nâng Cao Hiệu Quả Khám Chữa Bệnh

18 Khung Tiêu Chuẩn Chất Lượng Lâm Sàng Nâng Cao Hiệu Quả Khám Chữa Bệnh

Ngày đăng: 21-02-2025

TT.CHG - Các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng được thiết kế riêng cho từng bệnh lý, từng dịch vụ kỹ thuật hoặc từng chuyên khoa, nhằm đo lường và đánh giá hiệu quả điều trị. Mỗi tiêu chuẩn đóng vai trò như một hướng dẫn mang tính tổng quát, kết hợp giữa dữ liệu định tính và định lượng, kèm theo các chỉ số cụ thể để đánh giá mức độ đạt chuẩn theo yêu cầu.

 

Cục Quản lý Khám chữa bệnh vừa tổ chức cuộc họp tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và đại diện các Hội chuyên ngành, nhằm thảo luận về khung Tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng trong công tác khám, chữa bệnh.

Theo Điều 58, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, tiêu chuẩn chất lượng đóng vai trò then chốt trong việc đánh giá hiệu quả và độ an toàn của dịch vụ y tế. Đây là hệ thống các yêu cầu về quản lý và chuyên môn kỹ thuật, áp dụng cho từng chuyên khoa, từng dịch vụ kỹ thuật hoặc toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp phép. Bộ tiêu chuẩn bao gồm: tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, tiêu chuẩn chất lượng nâng cao và tiêu chuẩn chuyên biệt cho từng lĩnh vực, do Bộ Y tế ban hành.

Ts. Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh phát biểu tại cuộc họp.

Chiều ngày 20/2, tại cuộc họp về khung Tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng, TS.BS Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nhấn mạnh rằng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh được Bộ Y tế giao nhiệm vụ làm đầu mối hướng dẫn chi tiết các đơn vị trong việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai áp dụng các Tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng trong khám, chữa bệnh.

Theo TS.BS Dương Huy Lương, các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng được thiết kế riêng cho từng bệnh lý, từng dịch vụ kỹ thuật hoặc từng chuyên khoa, nhằm đo lường và đánh giá hiệu quả điều trị. Mỗi tiêu chuẩn đóng vai trò như một hướng dẫn mang tính tổng quát, kết hợp giữa dữ liệu định tính và định lượng, kèm theo các chỉ số cụ thể để đánh giá mức độ đạt chuẩn theo yêu cầu.

Những tiêu chí đánh giá này bao quát toàn bộ quy trình chăm sóc bệnh nhân, từ khâu chẩn đoán ban đầu, thực hiện xét nghiệm, thăm dò chức năng, đến điều trị, tư vấn, chăm sóc và dự phòng tái phát.

Không chỉ dừng lại ở yếu tố chuyên môn, khung tiêu chuẩn còn xem xét các điều kiện hỗ trợ điều trị và chăm sóc người bệnh như cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Những yếu tố này có thể được đánh giá riêng biệt hoặc tích hợp trong tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng để đảm bảo một hệ thống chăm sóc toàn diện và hiệu quả nhất.

TS.BS Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết hiện Cục đã hoàn thiện dự thảo 18 khung tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng và đang lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia để hoàn thiện. Những khung tiêu chuẩn này bao quát nhiều lĩnh vực quan trọng như: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực, xây dựng và giám sát thực hiện phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật, hoạt động chuyên môn, kết quả chuyên môn và các chỉ số chất lượng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nhấn mạnh đến hệ thống theo dõi người bệnh trong suốt quá trình điều trị, đảm bảo số liệu được quản lý chặt chẽ từ trước đến sau điều trị, cùng các chỉ số như số lượng bệnh nhân được điều trị và số kỹ thuật đã thực hiện. Các tiêu chuẩn còn chú trọng đến việc bảo đảm an toàn người bệnh, phòng tránh sự cố y khoa, chăm sóc sức khỏe toàn diện, tôn trọng quyền con người, nhân phẩm bệnh nhân và hỗ trợ phục hồi chức năng.

GS.TS Đỗ Tất Cường, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc, nhận định rằng bên cạnh bộ 83 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bệnh viện hiện hành, thì bộ tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng đóng vai trò cốt lõi trong hoạt động khám chữa bệnh, với trọng tâm là người bệnh.

Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Chi (Bệnh viện Bạch Mai) đánh giá, việc xây dựng khung tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng là bước tiến quan trọng trong quản lý chất lượng y tế, hướng đến việc "lượng hóa" hiệu quả điều trị. Ông dẫn chứng trong chuyên ngành đột quỵ, các tiêu chuẩn đã được xây dựng và áp dụng hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.

Các chuyên gia tham gia cuộc họp đều thống nhất rằng việc xây dựng bộ tiêu chuẩn này sẽ trở thành công cụ đo lường hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời, họ đề xuất cần xác định rõ các chỉ số đánh giá cụ thể trong từng khung tiêu chuẩn để dễ dàng triển khai và áp dụng thực tế.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ với các Hội chuyên khoa để cập nhật liên tục những hướng dẫn và khuyến cáo mới nhất, từ đó đảm bảo khung tiêu chuẩn không chỉ phù hợp với thực tiễn trong nước mà còn tiệm cận với các tiêu chí quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống y tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Lê Hảo - Thái Bình 

suckhoedoisong.vn