Ngày đăng: 18-04-2025
TT.CHG - 15 đơn vị phân phối và sàn thương mại điện tử hàng đầu trong và ngoài nước như Saigon Co.op, Winmart, Bách Hóa Xanh, Lotte, Lulu Việt Nam, Amazon.com, Alibaba.com… đã có 659 cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam để mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh mới.
15 nhà phân phối lớn với 659 cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam để mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh mới. Ảnh: VGP/Lê Anh
Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực, Thực phẩm TP.HCM 2025 (HCMC FOODEX 2025), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức chương trình "Kết nối giao thương với các đơn vị phân phối trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử" vào ngày 17/4.
Sự kiện thu hút sự tham gia của 15 đơn vị phân phối và sàn thương mại điện tử hàng đầu trong và ngoài nước, bao gồm các thương hiệu lớn như Saigon Co.op, SATRA, Central Retail, AEON, Winmart, Bách Hóa Xanh, Lotte, Lulu Việt Nam, Amazon.com, Alibaba.com và Lazada. Đặc biệt, chương trình đã ghi nhận 659 lượt đăng ký kết nối từ các doanh nghiệp tham gia triển lãm – con số thể hiện rõ nhu cầu và sự quan tâm mạnh mẽ của doanh nghiệp đối với việc mở rộng mạng lưới phân phối.
Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Minh Chánh – Phó Giám đốc ITPC – nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động kết nối giao thương, xem đây là cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước.
Ông Chánh cũng khẳng định cam kết của HCMC FOODEX 2025 trong việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối uy tín và nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp thực phẩm của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Đáng chú ý, TP.HCM hiện đang triển khai nhiều chính sách, chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm. Trong đó, nổi bật là Quyết định số 4700/QĐ-UBND ngày 23/10/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Amazon Global Selling (Mỹ), với khoảng 300 triệu khách hàng toàn cầu, đang tích cực tìm kiếm các nguồn hàng chất lượng từ các DN Việt Nam. Ảnh: VGP/Lê Anh
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động và phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu của TP.HCM tiếp tục đối mặt với không ít thách thức, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất kinh doanh và phục hồi của các doanh nghiệp trong nước.
Trước những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải, lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ luôn đồng hành và sát cánh cùng doanh nghiệp, thông qua việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực và kịp thời. Trong đó, trọng tâm là thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối cung – cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước nhằm tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Lê Anh
Theo tphcm.chinhphu.vn