» Tin tức » 1.645 hồ đập thuỷ lợi xuống cấp, đại biểu Quốc hội đề nghị sớm có giải pháp

1.645 hồ đập thuỷ lợi xuống cấp, đại biểu Quốc hội đề nghị sớm có giải pháp

Ngày đăng: 05-06-2024

TT.CHG - Với khoảng 1.645 hồ đập thủy lợi nhỏ xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp đảm bảo an toàn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (4/6) Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Hai nhóm vấn đề đầu tiên được Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn là Tài nguyên và Môi trường; Công Thương. Trong buổi sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đăng đàn trả lời về các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của các đại biểu (Ảnh:quochoi.vn)

Quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn các đập, hồ thủy lợi nhỏ xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy cơ mất an toàn, đại biểu Đoàn Thị Hảo - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, hiện trên cả nước có khoảng trên 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, trong đó có 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ, đập nhỏ, phần lớn được xây dựng từ những năm 1970 – 1980, thời điểm đó trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, đến nay đa phần các công trình không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì,… Đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng và ngành sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Hảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo hồ thủy lợi cần nguồn lực lớn.

Để giải quyết thách thức trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua. Trong đó Luật đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương phối hợp với nhau để điều hòa, phân phối nguồn nước cũng như đưa ra các kịch bản nguồn nước để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; đặc biệt là đối với các địa phương nắng nóng như miền Trung để giảm tình trạng hạn hán.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các hồ đập để đảm bảo việc giữ nước, tích trữ nước, đảm bảo sản xuất bền vững, đảm bảo điều hòa và nhu cầu sản xuất…

 

 

 

Không hoàn toàn đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã tranh luận và cho rằng hiện tại vẫn còn 1.645 hồ đập, thủy lợi nhỏ xuống cấp trầm trọng, thiếu khả năng xả lũ. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng nguy hiểm và mất an toàn hồ đập trong thời gian tới.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Leo Thị Lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc quản lý hồ đập thủy lợi là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong việc vận hành an toàn và điều hòa phân phối các nguồn nước này. Hồ đập xuống cấp chủ yếu là các hồ vừa và nhỏ. Do đó, cần phải đảm bảo an toàn hồ đập và Bộ NN&PTNT sẽ trao đổi thêm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Hồ thủy lợi, theo phân cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đang trực tiếp quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ liên quan nhiều tỉnh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho các địa phương quản lý.

Đến thời điểm này các hồ vẫn đảm bảo an toàn, đang được thường xuyên theo dõi, quản lý. Đối với 900 hồ lớn, vừa, nhỏ đã phân cấp các địa phương quản lý, nguồn lực đầu tư theo luật ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, đối với một số địa phương nguồn lực hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp cụ thể hơn. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đề xuất duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập do địa phương quản lý…

Liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước, đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu rõ, đầu tư công trình tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên trong Luật Tài nguyên nước năm 2023. Để đảm bảo chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, chúng ta rất quan tâm đến việc xây dựng hồ thủy lợi để tích trữ nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang rà soát những nơi có đủ điều kiện để xây dựng các hồ đập, hồ thủy lợi. Việc tích trữ nước phải gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước.

"Bên cạnh đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các hồ thủy lợi, hồ đập cũng phải gắn với đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến rừng, hệ sinh thái,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, chúng ta xây dựng các hồ đập và các hồ thủy điện, các hồ thủy điện kết hợp với hồ thủy lợi. Trong Luật Tài nguyên và Môi trường cũng có quy định quản lý ở lưu vực sông cũng như đảm bảo được việc tích trữ nước và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Thu Hường (theo Công thương)